Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu sông: Không thể chậm trễ!

Mai Lâm| 29/04/2016 06:08

(HNM) - Các dòng sông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành, phát triển các cộng đồng dân cư trên khắp thế giới. Các vùng châu thổ là nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng và là nền tảng hình thành nhiều nền văn minh. Không chỉ cung cấp nguồn nước, mỗi dòng sông còn được ví như "lá phổi xanh", điều hòa không khí, bảo đảm môi trường sống.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa "nóng" trong bối cảnh phải chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã, đang làm "chết" không ít dòng sông. "Hồi sinh", bảo vệ các dòng sông, sử dụng hợp lý nguồn nước là vấn đề "nóng" đặt ra với mọi quốc gia trên thế giới.

Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực làm "hồi sinh" những dòng sông, đi đầu trong các hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ - Đáy.

Kết quả thu được khá tích cực, môi trường khu vực sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét… được cải thiện đáng kể, các dòng sông đã mang một diện mạo mới. Tuy nhiên, nguồn nước của nhiều con sông vẫn ô nhiễm do được "tiếp" nước thải nhiều hơn nước sạch. Hơn chục năm trước, đã có những ý tưởng lấy nước Sông Hồng để "hồi sinh" một số dòng sông chết, nhưng do nhiều nguyên nhân, chưa thể thực hiện.

Sông Nhuệ - Đáy có vai trò hết sức quan trọng không chỉ với Hà Nội mà còn với Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Đó là lý do ngày 31-8-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1404/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực Sông Nhuệ - Đáy. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2015, trên lưu vực sông với tổng diện tích tự nhiên 7.388km2 có tới 1.950 nguồn xả thải, trong đó có 1.542 nguồn là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 40 nguồn thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 132 cơ sở y tế và 142 làng nghề. Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã hỗ trợ các tỉnh trong lưu vực gần 73 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, bảo vệ môi trường như: Trồng rừng đầu nguồn, xử lý môi trường làng nghề, xây dựng nhà máy xử lý rác thải... Thế nhưng, việc xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn lưu vực mới đạt khoảng 10% - quá thấp so với yêu cầu. Sông Nhuệ, Sông Đáy vì thế vẫn không ngừng "kêu cứu"…

Cùng với việc thực hiện các biện pháp xử lý nguồn gây ô nhiễm, việc nạo vét, cải tạo làm "hồi sinh" những khúc sông chết có vai trò vô cùng quan trọng. Dự án cải tạo, nạo vét lòng dẫn Sông Đáy, đoạn từ hạ lưu Đập Đáy (huyện Phúc Thọ) đến cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông) là một ví dụ. Đáng buồn dự án triển khai ì ạch nên "giấc mơ hồi sinh" vẫn dở dang... Các dòng sông "kêu cứu". Người dân kêu cứu. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong thu gom, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường và đặc biệt là việc nạo vét, cải tạo từng đoạn sông, con sông.

Mỗi người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi vì làm vậy sẽ "giết chết" những dòng sông. "Cứu" sông không chỉ là "cứu" "lá phổi xanh" mà còn "cứu" cả một vùng sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người dân. "Cứu" sông, vì thế, chính là cứu mình! Do vậy, không thể chậm trễ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu sông: Không thể chậm trễ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.