Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một số bất cập cần khắc phục

Thái Sơn| 24/05/2016 06:15

(HNM) - Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" ban hành kèm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg với các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như: Giai đoạn 2011-2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn (LĐNT), giai đoạn 2016-2020 đào tạo nghề cho 6 triệu LĐNT. Tổng kinh phí để thực hiện Đề án là gần 26.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ 2010 đến 2015 là hơn 13.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, Đề án nêu trên là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo. Tuy nhiên, dù đã được triển khai trong một khoảng thời gian dài tương đương với nửa chặng đường (5 năm 2010-2015) nhưng một số mục tiêu Đề án đặt ra cùng hiệu quả mang lại từ thực tế chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là còn nhiều bất cập và lãng phí.

Cụ thể, việc dạy nghề cho LĐNT gồm nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được thực hiện miễn phí với thời gian là 3 tháng, sau đó được cấp chứng chỉ nghề nếu đủ điều kiện. Song dù được cấp chứng chỉ nghề cũng rất khó hành nghề hoặc kiếm được việc làm ổn định vì chuyện tham gia học nghề chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa", không ứng dụng được kiến thức vào cuộc sống hoặc nghề được đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tế. Với các nghề phi nông nghiệp cũng có nhiều bất cập, ví dụ như với bà con vùng sâu, vùng xa mà mở lớp đào tạo nghề sửa chữa đồ điện tử, hoặc sửa chữa xe máy… thì dù tốt nghiệp loại xuất sắc cũng khó mà làm nghề ở địa phương. Do đó, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân đi học nghề như tham gia phong trào, thậm chí họ chỉ đến học cho có danh sách, được ghi tên và chờ tiền trợ cấp. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo chưa sát với thực tế dẫn đến việc học nghề chưa thực sự có hiệu quả. Trong khi đó, như tại Hà Nội, với 49 nghề trong danh mục đào tạo cho LĐNT, nguồn kinh phí đài thọ cho mỗi đối tượng theo học một khóa là từ 1,6 đến 3 triệu đồng. Và một con số khác cũng rất đáng để suy nghĩ, năm 2015, tại địa bàn Hà Nội số LĐNT sau học nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc cũng chưa đạt nổi 1/10 tổng số người được học nghề.

Với những tồn tại như đã nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể là chúng ta không nên đào tạo theo kiểu dàn trải và chạy theo phong trào mà phải tập trung vào những nghề trọng điểm, nhắm tới những sản phẩm chủ lực, có thu nhập cao cho nông dân, đồng thời cần khai thác lợi thế và các nghề sẵn có của địa phương, vùng miền để đào tạo. Tương tự, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp và đào tạo nghề nhận định, chúng ta không thể đánh giá kết quả dựa trên số liệu báo cáo về lượng người đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề và được học nghề mà phải căn cứ vào hiệu quả và việc làm, thu nhập của bà con nông dân sau khi được đào tạo nghề. Đó mới chính là cái đích hướng đến để đánh giá chính xác hiệu quả của Đề án.

Tóm lại, đã đến lúc cần xem xét lại việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, phương pháp và cách thức đào tạo phù hợp với đối tượng được đào tạo nghề là LĐNT, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp. Mô hình dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, bảo đảm "đầu ra" cho lao động sau đào tạo. Và đặc biệt, việc thực hiện Đề án phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng ngành và các cấp chính quyền địa phương. Chỉ có như vậy, việc đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn 2016-2020 mới thực sự có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số bất cập cần khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.