Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện chưa có hồi kết

Đan Nhiễm| 26/05/2016 05:29

(HNM) - Như "đã hẹn" trước, trận mưa đêm 24, rạng sáng ngày 25-5 với cường độ bình quân xấp xỉ 200mm đã biến nhiều tuyến phố tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và không ít điểm dân cư khu vực nội đô thành… "sông". Sinh hoạt của hàng vạn người dân vì thế bị đảo lộn do nước tràn vào nhà, do đường đến cơ quan ngập gây ùn tắc trầm trọng… là những thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông điện tử. Nỗi lo phố biến thành "sông" càng nhân lên cùng với diễn biến thời tiết bất thường đang xảy ra trên diện rộng.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch tiêu thoát nước cho Hà Nội nói riêng đang có không ít vấn đề. Một loạt câu hỏi đã và tiếp tục được đặt ra: Tại sao những khu vực mới quy hoạch và rất nhiều khu đô thị mới vừa xây dựng lại ngập trầm trọng dù mưa đã tạnh trước đó nhiều giờ; việc đấu nối hạ tầng tiêu thoát nước của các phân khu chức năng mới quy hoạch đã hợp lý, khoa học hay chưa…? Đây đồng thời cũng là bài toán cho việc giải quyết căn cơ vấn đề ngập lụt tại Hà Nội trong những năm tới.

Không khó để nhận thấy, quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị luôn "chạy sau" các quy hoạch khác và thường xuyên bị động bởi nhiều lý do. Rõ nhất là thiếu sự khớp nối giữa các khu nhà ở cao tầng do các chủ đầu tư khác nhau xây dựng. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những quy hoạch phân khu đô thị mới ở một số nơi liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng quy mô dân cư, trong khi hệ thống hạ tầng khác, gồm cả tiêu thoát nước "nguyễn y vân" ? Nói chung, một hạ tầng luôn chạy theo sự phát triển "nóng" thì việc giải quyết triệt để vấn đề tiêu thoát nước sẽ tiếp tục là câu chuyện chưa có hồi kết.

Việc các quận phía Tây nam thành phố luôn trong tình trạng ngập úng khi mưa to cho thấy phải sớm có những quyết sách trong vấn đề tiêu thoát nước tại khu vực này. Khu vực đường Vành đai 3 và lưu vực Sông Nhuệ nước ngập rút rất chậm do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nơi phụ thuộc tiêu thoát tự chảy. Vấn đề càng "nóng" hơn khi đây là khu vực đô thị hóa nhanh nhất của Hà Nội hiện nay. Về liên vùng, Sông Nhuệ và Sông Đáy hiện nay hầu như mất khả năng tiêu thoát úng ngập do tình trạng bồi lắng tự nhiên, lấn chiếm dòng chảy xảy ra phổ biến trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, việc nâng cấp, đưa các giải pháp khai thác, chỉnh trị mới dòng sông luôn thiếu kinh phí. Tương tự, việc tiêu thoát nước của khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Hoài Đức vẫn sẽ "tắc" nếu như không có một mô hình tiêu thoát kiểu cưỡng bức tương tự như đối với Trạm bơm Yên Sở ở phía Nam Hà Nội.

Mặt khác, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch xây dựng, trong đó có vấn đề cốt nền cho hệ thống hạ tầng các khu dân cư, đô thị mới, công sở ở những khu vực mới phát triển cần phải được giám sát chặt chẽ hơn và nhất thiết không được điều chỉnh nếu không có luận cứ khoa học xác đáng. Đồng thời những khu vực này cần phải có hệ thống hồ điều hòa hoàn chỉnh để ngăn ngừa úng ngập và điều hòa không khí, cảnh quan.

Đến nay, sau khoảng 10 năm đầu tư lớn cho việc tiêu thoát nước, kết hợp chỉnh trang đô thị, Hà Nội chỉ còn 16 điểm khu vực nội thành (theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) bị ngập nếu có mưa trên 50mm. Tuy nhiên, những điểm yếu bộc lộ sau trận mưa vừa qua cho thấy còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước và nếu không có sự thay đổi quyết liệt thì người Hà Nội tiếp tục phải sống chung với tình trạng "mưa to là ngập".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.