Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ đã rõ

Mai Lâm| 30/05/2016 06:09

(HNM) - Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cơ hội cho nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vốn là thế mạnh của nước ta. Thế nhưng cũng có không ít ngành phải gánh chịu những tác động tiêu cực và một trong số đó là chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành chăn nuôi của nước ta phát triển thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh. Vì vậy, phát triển chăn nuôi tập trung đang là yêu cầu cấp bách để có thể tồn tại, trụ vững, trước hết là trên "sân nhà".

Những gì diễn ra trong thời gian gần đây là minh chứng cụ thể cho nhận định trên. Thịt gà Mỹ, thịt bò Australia… nhập khẩu bán tại siêu thị có giá rẻ hơn giá sản phẩm trong nước và trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Trên "sân nhà", sản phẩm của ngành chăn nuôi đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có.

Cả nước có khoảng chục triệu hộ nông dân tổ chức chăn nuôi, nhưng chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, năng suất thấp. Thực tế chăn nuôi ở nước ta mang tính chất tự sản, tự cung, tự tiêu là chính. Với tính chất "tận dụng" để chăn nuôi, tăng gia, đương nhiên sẽ không thể phát triển lĩnh vực quan trọng này. Phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ được xác định là nguyên nhân khó kiểm soát dịch bệnh, làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng vật nuôi. Chục năm gần đây, khi dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng… xuất hiện, bùng phát, các chuyên gia thú y đã khẳng định rất rõ điều đó. Do vậy, yêu cầu quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung phải được đặt ra nghiêm túc, ráo riết hơn, nhằm bảo đảm môi trường sống, sức khỏe cho con người.

Để quy hoạch, phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, các bộ, ngành, địa phương đã có chính sách hỗ trợ như: Thuê đất, hỗ trợ hạ tầng… nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hiệu quả chưa thu được là bao. Ngay trong nội thành, nội thị vẫn có không ít hộ chăn nuôi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống khu dân cư. Chưa nói tới cạnh tranh, điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh cũng khó được bảo đảm.

Những năm gần đây, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù phải đợi Quốc hội các nước thành viên thông qua mới chính thức có hiệu lực, nhưng các chuyên gia kinh tế khẳng định, nếu không có sự thay đổi nhanh, mạnh, ngành chăn nuôi nước ta hoàn toàn bị đánh bại ngay trên sân nhà. Hiện, cả nước mới có 20.000 trang trại chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa.

Mặt khác, do phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ nên năng suất lao động thấp. Nếu như một trang trại quy mô 1.000 lợn nái sinh sản chỉ cần một lao động thì ở nước ta cần tới 15-20 lao động. Tại Thái Lan, một công nhân trong trang trại nuôi gà công nghiệp có thể quản lý chăm sóc khoảng 20.000 con thì mỗi lao động nước ta chỉ có thể chăm sóc 1.000 con. Đó là chưa kể, khi hội nhập quốc tế, đặc biệt là yêu cầu TPP đặt ra về chất lượng an toàn thực phẩm là rất cao. Thêm nữa, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó kiểm soát, quản lý chất lượng chăm sóc thú y, nguồn gốc, chất lượng thức ăn chăn nuôi. Sự việc một số hộ, trang trại chăn nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc gây "náo loạn" dư luận vừa qua chính là một minh chứng cho điều đó. Đời sống người dân càng được nâng cao, yêu cầu về chất lượng thực phẩm cũng càng cao. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chắc chắn "thượng đế" trong nước sẽ quay lưng. Khi những "rào cản" về thuế được gỡ bỏ, sản phẩm chăn nuôi, vốn là thế mạnh của một số quốc gia tham gia TPP như: Mỹ, Australia, New Zealand… sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Nguy cơ đã rõ. Không phải các cơ quan chức năng không biết và chưa có giải pháp, hành động để ứng phó, nhưng thật đáng lo ngại với tiến trình, tiến độ, những vướng mắc chưa được giải quyết thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ đã rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.