Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới hiệu quả bền vững

Dục Tú| 22/06/2016 06:21

(HNM) - Với mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, “xanh - sạch - đẹp”, ba năm liên tiếp Hà Nội tập trung thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Đồng thời, để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 26-5-2016 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này trên địa bàn Thủ đô.

Trong số các nội dung được đề cập, liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương duy trì tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; áp dụng cơ giới hóa khâu thu gom rác; nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc xả rác bừa bãi, đổ phế liệu, phế thải không đúng nơi quy định; phối hợp với các địa phương trong vùng Thủ đô triển khai quy hoạch các điểm xử lý rác thải cho các địa phương…

Sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội không chỉ thể hiện quyết tâm của Thủ đô trong việc xử lý vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc, mà còn có ý nghĩa thúc đẩy các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức hành động thiết thực, nhận thức rõ những hạn chế trong công tác này và tìm giải pháp khắc phục. Đó là điều cần thiết. Bởi, nhìn vào thực tế công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải hiện nay, có thể nhận ra một loạt hạn chế mang tính cơ bản. Thứ nhất, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự tồn tại của hàng trăm điểm tập kết rác trên địa bàn, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành. Thứ hai, sau khi thu gom, cách xử lý rác thải tại các điểm thu gom tập trung chủ yếu là chôn lấp - phương pháp lạc hậu, đòi hỏi quỹ đất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ cho môi trường nước, không khí trong khu vực bởi khi thực hiện phương pháp này, rất khó bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Thứ ba, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân loại rác tại nguồn và nơi tập trung không được thực hiện tốt nên chưa thể thực hiện phương án xử lý riêng, phù hợp với từng loại, như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải độc hại.

Đó là chưa tính đến sự hạn chế trong công tác xử lý chất thải y tế, rác thải từ các làng nghề - những yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo đảm môi trường không khí, do tính đặc thù nên cần có giải pháp riêng.

Từ những hạn chế nói trên, căn cứ vào dự báo tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị của Việt Nam có mức tăng trung bình khoảng 10-15%/năm, rõ ràng là trong tương lai gần, Thủ đô sẽ phải đối diện với bài toán tìm đất chôn lấp rác thải ở mức độ khó hơn so với hiện tại. Để giải quyết vấn đề rác thải một cách bền vững, hạn chế sự tác động tới môi trường nói chung, Hà Nội cần tính toán để có chính sách đầu tư phù hợp, hướng tới áp dụng trên diện rộng phương án xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến. Phương án này không chỉ giúp giảm tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp tập trung, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường một cách bền vững, mà còn có thể tính đến bài toán chuyển hóa rác thành năng lượng, tái chế…

Cuối cùng, để giải quyết tận gốc vấn đề rác thải trên địa bàn Thủ đô thì ngoài yêu cầu về đầu tư, công nghệ, cải tiến quy trình và phương tiện thu gom, vận chuyển, điều quan trọng là tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân Hà Nội nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự giác tham gia vào quy trình phân loại rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng. Đây cũng là một phần nội dung trong lời kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra vào đầu tháng 6 vừa qua, tại lễ phát động triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016 - nội dung thiết thực của thành phố Hà Nội nhằm thực hiện hiệu quả “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới hiệu quả bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.