Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoán xe công, vì sao khó thế ?

Tuấn Kiệt| 24/06/2016 06:47

(HNM) - Vấn đề lãng phí xe ô tô công một lần nữa lại làm nóng dư luận sau thông tin các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang dư thừa 7.000 chiếc. Năm ngoái, Chính phủ đã yêu cầu ngừng mua sắm xe công, chỉ được mua xe chuyên dụng, ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà


Thực tế, câu chuyện lãng phí xe ô tô công, sử dụng xe công vào việc tư, mua xe quá tiêu chuẩn là chủ đề được bàn tới từ lâu. Gần đây, nhiều văn bản đã ra đời nhằm siết lại việc quản lý xe công, thế nhưng những quy định tưởng như đã chặt chẽ ấy lại ít được áp dụng hiệu quả trên thực tế. Điển hình như việc Chính phủ đã chỉ rõ chức danh nào thì được sử dụng xe, định mức giá bao nhiêu, nhưng theo đánh giá của cơ quan quản lý thì quy định này đã không được nhiều cơ quan và địa phương tuân thủ diễn ra phổ biến. Đặc biệt, quy định khoán xe công đã ra đời từ lâu nhưng đến nay có rất ít đơn vị áp dụng.

Thực tế hiện nay, nếu thuê một chiếc ô tô 4 chỗ, tùy độ “sang” của xe sẽ xê dịch từ khoảng 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm, bao gồm cả tiền xăng và lương lái xe. Chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp thuê, có lợi hơn mua. Bởi nếu mua xe thì họ tốn ngay một khoản có thể là tiền tỷ, chưa kể chi phí “nuôi” xe hằng tháng.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan nhà nước lại không mặn mà với thuê xe và tại sao xe công vẫn đều đều bị sử dụng lãng phí? Nguyên nhân đầu tiên phải khẳng định chính là sự lỏng lẻo trong quản lý, bao gồm cả trách nhiệm của Bộ Tài chính và các ban, ngành. Có một điều dễ thấy là không hẳn vì mức khoán 10 triệu đồng/tháng, mà ở đây tâm lý dường như là yếu tố quyết định. Nhiều quan chức không muốn nhận khoán xe là bởi sự phân biệt giữa xe “biển xanh” và xe “biển trắng”. Xe công (biển xanh) vẫn giữ nhiều lợi thế khi lưu thông cũng như trong giao dịch, công tác. Ngoài ra, nhiều người cho rằng dùng xe công không phải "lo nghĩ gì", còn dùng khoán chẳng khác nào “tự mua dây buộc mình”.

Rõ ràng, để đưa một chủ trương hợp lý thực thi hiệu quả trong thực tế Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn. Cần có sự nghiên cứu kỹ, tính toán từng vị trí công tác, nhu cầu sử dụng xe để đưa ra những mức khoán linh hoạt, hợp lý, khoán theo vị trí hay khoán theo công việc… để động viên được những người có tiêu chuẩn và sẵn sàng nhận khoán. Xây dựng cơ chế quy định rõ trường hợp nào được dùng xe công, trường hợp nào thì buộc phải thuê xe, mang tính cưỡng chế thay vì khuyến khích. Muốn vậy thì cần thiết phải tiến hành tổng rà soát tiêu chuẩn được sử dụng xe công; công khai, minh bạch về tiêu chuẩn và đối tượng được sử dụng để người dân giám sát việc sử dụng có đúng không. Cơ quan quản lý cần xem xét quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, quản lý xe công. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng, hoặc người cấp quyền sử dụng xe công, tránh việc xe bị sử dụng vô tội vạ, dùng cho mục đích cá nhân. Nhà nước cũng cần phải có những quy định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo, nếu gây ra tổn thất và lãng phí, thì phải áp dụng các biện pháp xử lý cụ thể.

Thực hiện tốt các vấn đề này sẽ góp phần chấn chỉnh được hoạt động quản lý và sử dụng xe công đang lộn xộn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoán xe công, vì sao khó thế ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.