Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm không của riêng ai

Nữ Quỳnh| 27/06/2016 07:17

(HNM) - Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách trong trồng trọt thực sự đã trở thành vấn nạn, tác động trực tiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng, đánh mất niềm tin của cộng đồng, gây tổn hại cho nền kinh tế.


Như cách nói của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tại một cuộc hội thảo được tổ chức tháng trước thì, “chất cấm, do liên quan đến nguồn thực phẩm, tất cả mọi người đều sử dụng nên khả năng phát tán, gây hại của nó là rất lớn, nguy hiểm hơn cả ma túy”. Tất nhiên, không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc. Thực tế, những quy chuẩn, khái niệm như VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt), chuỗi thực phẩm an toàn, rau sạch… đã được áp dụng từ lâu, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa “đến đầu đến đũa”.

Có một thực tế là việc nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, rau, thịt được chứng nhận an toàn, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thể yên tâm, người sản xuất chân chính vẫn chưa được hưởng lợi. Một phần nguyên nhân từ sự vô ý thức của không ít cơ sở chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng cũng có một phần từ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng lỏng lẻo, cán bộ làm cho xong, khiến thực phẩm bẩn vẫn có đất sống, trong khi thực phẩm sạch, an toàn phải chật vật tiêu thụ trên thị trường.

Chính sách về trang trại theo tiêu chí mới ra đời từ năm 2011 với mục tiêu tạo sự bứt phá trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản... Nhưng qua 5 năm đi vào thực tế, nhiều chủ trang trại vẫn không mặn mà làm, bởi nói theo cách của họ thì chứng nhận này chỉ “có danh mà không có thực”. Vất vả để đạt được tiêu chí kinh tế trang trại mới, nhưng giá trị của giấy chứng nhận lại không được như mong đợi. Những chính sách hỗ trợ chưa là động lực với người sản xuất bởi thủ tục rườm rà, sản phẩm ra thị trường không đủ khả năng cạnh tranh giữa “biển trời” hàng không quy chuẩn.

Những yêu cầu về tiêu chuẩn thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao hơn, thị trường thực phẩm nhập ngoại ngày càng mở rộng. Chăn nuôi, trồng trọt phải tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Để không còn những “lợn siêu nạc” chứa salbutamol, tôm nhiễm kháng sinh, hay rau quả đậm thuốc sâu… đòi hỏi xã hội phải cùng chung tay đánh thức trách nhiệm, đạo đức của người chăn nuôi, trồng trọt để có sản phẩm an toàn ngay từ gốc; đồng thời các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý kiểm tra, giám sát với từng khâu của quy trình sản xuất thực phẩm, từ nuôi, trồng đến thu mua, chế biến và tiêu thụ, bảo đảm an toàn từ trang trại đến mâm cơm mỗi gia đình.

Tất nhiên, đi kèm với nghĩa vụ thì quyền lợi của người sản xuất cũng cần được bảo đảm và bảo vệ tốt nhất. Sẽ không thể có những trang trại an toàn khi mà chưa tạo được cơ chế để người sản xuất có cơ hội cạnh tranh trên thị trường. Trang trại an toàn, hay sản xuất theo tiêu chuẩn sạch VietGAP có được mở rộng hay không, hiệu quả hay không phụ thuộc vào thu nhập của người làm ra sản phẩm. Và sẽ không thành công khi chỉ đòi hỏi trách nhiệm của người sản xuất mà bỏ qua trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cộng đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.