Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính

Hoàng Thu Vân| 26/07/2016 06:32

(HNM) - Ngày 25-7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV tiến hành một công việc quan trọng - xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung để thực hiện giám sát chuyên đề trong năm 2017 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.


Bốn nội dung này là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP); việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Có thể thấy, 4 nội dung giám sát chuyên đề được đưa ra để lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng, ở tầm vĩ mô, có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội và thu hút sự quan tâm của cử tri trong thời gian qua.
Tuy nhiên, như phát biểu của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), 4 nội dung nêu trên đều là những vấn đề bức xúc song có điểm chung là liên quan tới sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của đội ngũ công chức.

Chính vì lẽ đó, và đặc biệt là để thực hiện mục tiêu xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính” thì việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công tác đó sẽ giúp cho Quốc hội kiểm tra cụ thể việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan chức năng; đánh giá và kiểm nghiệm hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp, đầy đủ để điều chỉnh hoạt động của cả hệ thống và từng bộ phận; ý thức, thái độ, trách nhiệm của từng cá nhân trong bộ máy cơ quan quản lý hành chính nhà nước…

Với từng khía cạnh như đã nêu, thực tế thời gian qua rõ ràng còn nhiều bất cập và những “khoảng trống” về pháp lý. Điều đó dẫn đến sự chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ, trong khi trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị lại có chỗ mờ nhạt, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”; thái độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra; đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm phát sinh ở một số vị trí công tác nhất định do vẫn còn tồn tại cơ chế “xin - cho”… Những điều đó trực tiếp tác động, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đất nước, làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ các cơ quan công quyền, và quan trọng hơn là làm xói mòn lòng tin của người dân.

Dẫn chứng là một số câu chuyện đang “nóng” trong dư luận xã hội như Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), rồi những vấn đề trong quy trình bổ nhiệm con của một đồng chí nguyên Bộ trưởng đang được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu làm rõ trong tháng 7…

Và ngày 12-7, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nêu lên hiện tượng cứ cuối nhiệm kỳ lại ồ ạt bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, không đúng quy trình, không đúng trách nhiệm và cho rằng chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước xứng đáng được tiến hành ở mức giám sát tối cao. Nêu vậy để một lần nữa nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát có tầm ảnh hưởng lớn, bao trùm toàn bộ hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Trách nhiệm giám sát của Quốc hội đã được quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ban hành ngày 20-11-2015. Quyền lực nhà nước giao cho các cơ quan chức năng và từng vị trí công việc cụ thể (trách nhiệm cá nhân) phải được tập trung, theo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng vì thế rất cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ có như vậy mới khắc phục được “khoảng trống” về trách nhiệm trong các lĩnh vực, đồng thời nhanh chóng phát hiện và xử lý những sai phạm, giúp cho các cơ chế, chính sách ban hành phát huy tối đa hiệu quả trong đời sống xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.