Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" phải thấm sâu trong tâm thức!

Đình Hiệp| 27/07/2016 06:09

(HNM) - Những ngọn nến tri ân lung linh bên những ngôi mộ trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong những ngày cuối tháng bảy này như càng sáng lên thêm đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam - một dân tộc kiên cường đã vượt qua những năm tháng chiến tranh, những đau thương mất mát để bảo vệ nền độc lập, để tạo dựng hòa bình.


Nhiều thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, đã mất một phần xương máu để có được hòa bình làm nền tảng cho các cuộc kiến tạo đất nước hôm nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời dạy của Bác, cũng là phát huy đạo lý dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Và chính sách ưu đãi với người có công (NCC) là chính sách trọng điểm trong hệ thống chính sách xã hội ở nước ta.

Tại hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tất cả hộ NCC phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú...

Có thể nói, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 8,8 triệu NCC trên cả nước đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương với những việc làm thiết thực, hiệu quả, mang nhiều ý nghĩa. Riêng trong dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016), Nhà nước ta chi hơn 30.000 tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc NCC. Chính phủ đã quyết định trợ cấp một lần với hơn 1,4 triệu người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ…

Cũng trong dịp này, TP Hà Nội trích ngân sách gần 55 tỷ đồng để thăm, tặng quà gần 130.000 đối tượng chính sách, NCC, trung tâm điều dưỡng NCC của thành phố. Cùng với việc thăm hỏi, động viên, tặng quà NCC, nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đã diễn ra trên địa bàn Thủ đô...

Nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội cùng các cấp chính quyền địa phương trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn là rất đáng ghi nhận và thực tế đã phần nào làm vơi đi những mất mát, những nỗi đau do chiến tranh để lại.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nói rằng, trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi với NCC vẫn còn những vướng mắc, hạn chế. Hệ thống văn bản chồng chéo, một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai gặp khó khăn như chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp... Đôi lúc, đôi nơi có biểu hiện thiếu minh bạch trong làm hồ sơ, giải quyết trợ cấp cho NCC, gây nên sự thắc mắc, phiền lòng.

Từ những bất cập nêu trên có thể thấy, hoàn thiện pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng là hết sức cần thiết bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách một cách bài bản, bao quát đầy đủ đối tượng thuộc diện thụ hưởng, tránh hiện tượng bỏ sót, tránh để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện chính sách...

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt và mất mát như dân tộc Việt Nam. Vì thế, tri ân những NCC với đất nước vừa là đạo lý của dân tộc, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Đạo lý ấy, trách nhiệm ấy phải thấm sâu trong tâm thức mỗi người Việt Nam để trở thành động lực cho từng việc làm cụ thể hằng ngày. "Đền ơn, đáp nghĩa" không chỉ dừng lại ở những hoạt động phong trào hay việc giải quyết những bức xúc, bất cập trong triển khai các chủ trương chính sách đối với NCC, mà sâu xa hơn là thực hiện đạo lý, tình cảm của một dân tộc.

Biết ơn và trân trọng hy sinh, cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những NCC với nước và giáo dục trong thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" phải thấm sâu trong tâm thức!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.