Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân

Nữ Quỳnh| 15/08/2016 06:14

(HNM) - Phát triển nhà ở đô thị phục vụ người dân là một yêu cầu tất yếu. Ở mỗi quốc gia, chính sách phát triển về nhà ở đều hướng tới mục tiêu để đa phần người dân có nhà ở, giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo, đồng thời quy hoạch cấu trúc đô thị hài hòa, phù hợp với điều kiện phát triển xã hội và nếp sống của địa phương.

Tại Hà Nội, có thể nói việc phát triển nhà ở thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài phát triển nhà ở thương mại theo nhu cầu thị trường thì các chính sách hợp lý về nhà ở xã hội đã tạo điều kiện cho một lượng không nhỏ nhân dân thu nhập thấp có cơ hội ổn định về nơi ở. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cũng ghi nhận những bất cập, tồn tại cần sớm được tháo gỡ, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng căn hộ, chất lượng dịch vụ, môi trường sống của người dân tại các khu tái định cư, dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp.

Mặc dù Nhà nước và thành phố đều đã có những quy định cho việc phát triển các loại hình nhà ở này, song thực tế dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào số lượng, dựa vào điều kiện, năng lực của chủ đầu tư mà chưa đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do vậy, khi nói đến nhà ở xã hội, nhiều người thường nghĩ đến sự luộm thuộm, yếu kém về cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, hoặc như một định kiến, cái tên “nhà tái định cư” như thể gắn với chất lượng hạn chế, xuống cấp nhanh chóng…

Cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, Hà Nội đang phải đối diện với áp lực tăng dân số, nhu cầu về hạ tầng xã hội rất lớn. Chính vì thế, việc phát triển nhà ở phục vụ số đông người dân có nhu cầu nhưng thu nhập thấp, hoặc nhà ở phục vụ cho xây dựng và phát triển đô thị (hiện được gọi là nhà tái định cư) đòi hỏi một chiến lược căn bản, gắn liền với các chính sách phát triển chung của thành phố.

Ngày nay, những khái niệm như “nơi đáng sống”, “thành phố sống tốt”… đã trở thành mục tiêu cần hướng tới, “kim chỉ nam” trên con đường phát triển của một thành phố hay địa phương nào đó. Tiêu chí “sống tốt” ở đây bao gồm nhiều khía cạnh, về sự phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội và cả về chất lượng môi trường sống.

Chúng ta không thể xem nhẹ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tức là khi chúng ta phát triển kinh tế thì chất lượng cuộc sống cũng phải được nâng theo, bao gồm tất cả các yếu tố liên quan đến cuộc sống con người từ điều kiện vật chất, xã hội đến môi trường, giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an ninh trật tự... Người dân chấp nhận nhường đất cho các dự án phát triển đô thị thì đổi lại họ cần nhận được nơi ở mới tốt hơn.

Đầu tháng 8 này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, đô thị, bảo đảm an sinh xã hội, gồm các dịch vụ: nhà ở xã hội cho người dân; nước sạch, vệ sinh môi trường; y tế; giáo dục; văn hóa, thể thao giải trí, sinh hoạt cộng đồng… Các chính sách về nhà ở xã hội hay tái định cư trước hết nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân nên phải được bắt đầu từ yếu tố con người, phục vụ con người. Khi nào người dân thấy hài lòng tức là chính sách đã phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Và khi đó người dân lại góp phần làm cho thành phố ngày càng phát triển.

Tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, đô thị bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do vậy cần được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, bảo đảm nâng cao chất lượng sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.