Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh kế và câu chuyện phát triển bền vững

Thế Nguyên| 17/08/2016 06:13

(HNM) - Tính đến hết năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội ước đạt 33 triệu đồng/người/năm. Theo chuẩn chung, Hà Nội cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6% - mức thấp nhất so với nhiều năm); theo chuẩn của Hà Nội (cao hơn của trung ương), tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,7%. Hiện tại, qua rà soát theo tiêu chí mới, số hộ nghèo (toàn thành phố) tăng 65.337 hộ, chiếm 3,6%.

Dẫn ra một vài đánh giá, thống kê như vậy để thấy công tác giảm nghèo khu vực nông thôn Hà Nội nói riêng không còn là vấn đề nóng. Dù vậy, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố vẫn đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và phấn đấu đến năm 2020 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, phấn đấu đến năm 2020, bình quân đạt 40-45 triệu đồng/người/năm.

Tất yếu, kết quả công tác giảm nghèo phụ thuộc một "mũi nhọn" quan trọng là phải nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có nghề. Đồng thời, lao động nông thôn phải sống được bằng nghề. Nói cách khác, có nghề, có sinh kế ("đầu ra" của nghề) là những điều kiện cần của giảm nghèo bền vững. Có nghề, có sinh kế là những điều kiện cần để một hộ gia đình nông thôn phát triển kinh tế một cách bền vững.

Những khó khăn của công tác dạy nghề đang đòi hỏi những giải pháp mới, phù hợp, hiệu quả hơn. Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã định hướng rõ về những giải pháp, nhiệm vụ, đó là: Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề lao động - việc làm - đào tạo nghề. Trên tinh thần đó, bám sát đặc thù kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, khâu dạy nghề cho lao động nông thôn có thể triển khai theo rất nhiều cách làm cụ thể. Chẳng hạn, chương trình dạy nghề lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Hoặc như việc đào tạo nghề theo định hướng phát triển của từng huyện gắn liền các điểm, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hay đào tạo nghề theo "đơn đặt hàng" của doanh nghiệp, dạy nghề nông nghiệp (trồng nấm, hoa, nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm...) gắn với triển khai trên thực tế... Đào tạo nghề gắn với định hướng xuất khẩu lao động cũng là một giải pháp mang lại hiệu quả rõ nét tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở chiều ngược lại, cần có "cơ chế" để ràng buộc trách nhiệm lao động được học nghề, tránh tình trạng "được chăng hay chớ", có nghề mà không tinh... và quan trọng hơn cả là khuyến khích họ dùng nghề được học làm sinh kế hiệu quả.

Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy nghề, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xóa nghèo, chính là bảo đảm sau khi có nghề, lao động nông thôn có sinh kế. Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng thất nghiệp trá hình khu vực nông thôn (chơi dài lúc nông nhàn) hoặc làn sóng "ly hương" đang diễn ra ở một số nơi hiện nay. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như thực hiện mục tiêu của thành phố về giảm nghèo, hơn bao giờ hết, việc dạy nghề gắn với tạo sinh kế - hỗ trợ lao động tìm sinh kế đóng một vai trò hết sức quan trọng. Được như vậy, lao động nông thôn, các hộ gia đình nông thôn hoàn toàn yên tâm phát triển kinh tế một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh kế và câu chuyện phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.