Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm tư duy, nhận thức

Hoàng Thu Vân| 23/08/2016 06:12

(HNM) - Có thể thấy, hệ thống giao thông thông minh với những tiện ích đã được khẳng định tại các quốc gia trong khu vực và thế giới nếu được triển khai và lắp đặt tại Hà Nội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người tham gia giao thông và các nhà quản lý.

(HNM) - Có thể thấy, hệ thống giao thông thông minh với những tiện ích đã được khẳng định tại các quốc gia trong khu vực và thế giới nếu được triển khai và lắp đặt tại Hà Nội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người tham gia giao thông và các nhà quản lý. Áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào mục đích phục vụ đời sống sinh hoạt là xu thế tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, như hai mặt của vấn đề, bên cạnh những lợi ích thấy rõ thì dù khoa học công nghệ do con người nghiên cứu, sáng tạo có phát triển tối ưu tới đâu vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Vấn đề cốt lõi ở đây là tư duy, nhận thức của con người.

Với người tham gia giao thông, ấy là sự tự giác chấp hành những quy định của pháp luật. Với nhà quản lý ấy là việc làm sao áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với ban hành những cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp với thực tế đời sống để hoạt động, sinh hoạt của người dân vừa bảo đảm an toàn, phù hợp với xu thế phát triển, vừa thuận tiện, hợp lý, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành.

Xã hội phát triển, trật tự, văn minh với hiệu quả tối đa thu được khi tư duy, nhận thức của xã hội có điểm chung giữa những người thực hiện công tác quản lý và những người chịu sự quản lý.

Với điều kiện kinh tế còn khiêm tốn, Hà Nội đã có hệ thống gồm 450 camera giám sát, có khả năng quan sát và đo lường để tự động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu theo số lượng xe để giảm ùn tắc. Cùng với đó là phát hiện, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh đã lưu lại qua hệ thống camera. Nhưng như chia sẻ của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, nếu các nút giao thông vắng bóng những cán bộ cảnh sát giao thông thì những vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lỗi vi phạm diễn ra bởi vì chế tài xử lý của chúng ta chưa nghiêm. Song với câu chuyện uống 2 cốc bia bị áp mức phạt 17 triệu đồng trong đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông theo những điều khoản tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì không thể nói chế tài của chúng ta chưa đủ sức nặng.

Vấn đề ở đây chính là sự tự giác trong ý thức người tham gia giao thông. Dù rằng điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vấn đề và chế tài xử lý vi phạm chỉ là một yếu tố. Ở một khía cạnh khác, như đã nêu ở trên, còn là thái độ, trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ; là cơ chế, chính sách ban hành; là biện pháp quản lý và những giải pháp được triển khai (như phát triển hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý phương tiện giao thông; điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị phù hợp; kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng…).

Với tổng thể đồng bộ đó, áp dụng hệ thống giao thông thông minh sẽ là giải pháp góp phần tích cực trong tổ chức, vận hành giao thông, đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào đời sống, giúp cho công tác quản lý hiệu quả.

Kỳ vọng vào những tiện ích của hệ thống giao thông thông minh mang lại, song có thể thấy, đó không phải là “cây đũa thần”. Mọi ứng dụng khoa học công nghệ chỉ phát huy hiệu quả tối ưu khi tư duy, nhận thức của con người phải được xây dựng và nâng lên phát triển ngang tầm với những đòi hỏi của một xã hội tiến bộ, văn minh. Lĩnh vực quản lý, tổ chức, điều hành giao thông cũng không là ngoại lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm tư duy, nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.