Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho con người

Đan Nhiễm| 29/08/2016 06:16

(HNM) - Những năm gần đây, giáo dục nước nhà đã có nhiều đổi mới, nhưng nhìn tổng thể ở tất cả các cấp học, chúng ta vẫn thiên về dạy chữ (kiến thức), chưa thật sự chú trọng dạy người (rèn luyện đạo đức, tinh thần thượng tôn pháp luật và các kỹ năng sống, kỹ năng tư duy, năng lực cảm thụ, óc tưởng tượng, sáng tạo…).

Thi cử dù đã bớt nặng nề, nhưng vẫn thiên về kiểm tra trí nhớ, kiến thức sách vở, chưa đòi hỏi học sinh vận dụng sáng tạo tri thức vào giải đáp những bức xúc đang đặt ra ngay trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, giữa mục tiêu lý thuyết và thực tiễn giáo dục vẫn có khoảng cách lớn…

Mặt khác, sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục được nhiều người đề cập gần đây chủ yếu xoay quanh việc huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân vào phát triển giáo dục. Đi sâu vào các phương diện nội dung, chủ trương, chính sách giáo dục thì xã hội hóa giáo dục còn quá nhiều điều để trao đổi: Từ chủ trương phân ban, đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi chương trình và sách giáo khoa...

Ở bậc đại học, câu chuyện tự chủ của các trường bàn cãi qua hàng chục năm nhưng đến nay vẫn là cả vấn đề… Trong khi đó, nhiều người ngoài ngành vẫn cho giáo dục chỉ là việc riêng của Ngành Giáo dục - Đào tạo, chỉ nhìn vào mặt trái để phê phán, chỉ trích mà không thấy nghĩa vụ phải góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục như một sự nghiệp chung.

Một vấn đề khác,“đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người”, nhưng chính sách đãi ngộ cho các thầy, cô giáo - người trực tiếp làm hoàn thiện con người - lâu nay vẫn chưa thực sự thỏa đáng. Khi người thầy phải bộn bề với những lo toan “cơm, áo, gạo, tiền...” thì không thể toàn tâm toàn ý để đào tạo nên những con người có phẩm chất tốt và năng lực cao.

Giáo dục có tầm ảnh hưởng tới tất cả các gia đình nên nó luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Trách nhiệm của những nhà quản lý là phải tìm ra phương thức giáo dục có tính ổn định trên cơ sở nắm bắt xu hướng phát triển của giáo dục toàn cầu. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vì thế, nếu tiếp tục sa đà vào những vụ việc cụ thể, năm nào cũng điều chỉnh chính sách, khư khư với tư duy “là ban giám hiệu của các trường” (lời cố Giáo sư Nguyễn Văn Đạo) thì những giải pháp mà Ngành Giáo dục - Đào tạo đưa ra cũng vẫn là câu chuyện giải quyết tình thế.

Rõ ràng, những gì diễn ra trong thực tế cho thấy "gánh nặng học hành" là do chính chúng ta (Ngành Giáo dục - Đào tạo, phụ huynh và xã hội) tạo ra. Bởi vậy, gỡ bỏ hay để chúng tiếp tục hoành hành phụ thuộc vào quyết tâm hành động của chúng ta.

Năm học 2016-2017 là năm thứ tư Ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đây sẽ là tiền đề để toàn Ngành Giáo dục - Đào tạo nói riêng và xã hội nói chung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo.

Tuy nhiên, để sự nghiệp giáo dục thu được kết quả như mong muốn, cũng cần nhất quán quan điểm rằng: Nếu đặt câu hỏi đoạn đường này bao giờ xong, ta có thể trả lời được, nhưng chúng ta không thể đặt câu hỏi bao giờ nhân cách con người được hoàn thiện xong, bởi quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người là mục tiêu lớn nhất của giáo dục.

Mục tiêu đó đòi hỏi Ngành Giáo dục - Đào tạo không ngừng đổi mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.