Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghiệp công nghệ cao - Động lực phát triển kinh tế

Nữ Quỳnh| 01/09/2016 06:58

(HNM) - Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng để hướng tới nền kinh tế tri thức, Hà Nội phải có những quyết sách mới mang tính bứt phá.


Dĩ nhiên, muốn tiến xa hơn không có con đường nào khác là phát triển kinh tế gắn với khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo nên các sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.

Nhìn lại quá trình 30 năm đổi mới với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu không có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chúng ta không thể có những thành tựu như ngày nay. Bài học của các nước trong khu vực và trên thế giới, điển hình như Hàn Quốc, một trong bốn “con rồng Châu Á” cho thấy: "Bí quyết" đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế không gì khác hơn chính là phát triển công nghệ cao.

Với Hà Nội, từ rất sớm thành phố đã có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, đầu tư khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, Hà Nội đang tập trung vào các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020, tăng số lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 150 sản phẩm, đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, đầu tàu của khu vực phía Bắc.

Hiện nay, ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên địa bàn TP Hà Nội còn có các khu công nghiệp, công nghệ cao khác như Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, hay Khu công nghệ cao sinh học… Đến nay, Hà Nội cũng đã công nhận 69 sản phẩm chủ lực của 46 doanh nghiệp, thuộc các ngành cơ khí, điện - điện tử, dệt may - da giày, hóa nhựa, chế biến lương thực thực phẩm… là những sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế vẫn đòi hỏi phải có sự bứt phá với những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ cao hơn, đặc biệt là với các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, vật liệu mới...

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con đường ngắn nhất vẫn là sớm hình thành một hệ thống doanh nghiệp chủ động trong phát triển và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp công nghiệp, những sản phẩm chủ lực của Hà Nội sẽ có cơ hội bứt phá nếu có những điều chỉnh phù hợp, phát triển nhanh những ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời phải cương quyết “nói không”, với công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa hợp tác quốc tế về công nghệ.

Khoa học - công nghệ là then chốt. Nếu không sẵn sàng đầu tư, đổi mới để phù hợp với xu thế, bắt kịp công nghệ thế giới thì việc tụt hậu là điều khó tránh. Thực tế đó, đòi hỏi chúng ta phải biết tận dụng cơ hội, xem trọng phát triển khoa học và công nghệ như là nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp công nghệ cao - Động lực phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.