Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cất" đôi chân trên bàn công vụ

Thế Nguyên| 24/09/2016 06:39

(HNM) - Những cái đầu túm tụm trước màn hình máy tính

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đòi hỏi tất yếu, không chỉ nhằm chấn chỉnh những "lệch lạc", thiếu chuẩn mực về tác phong, thái độ của "người nhà nước" mà ở không ít địa phương, không ít lúc còn diễn ra... Quan trọng hơn, thực hiện hiệu quả chỉ thị là nhằm xây dựng "con người hành chính" có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngay sau Chỉ thị 26/CT-TTg, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc triển khai thực hiện. Những "đầu việc" cụ thể đặt ra trong kế hoạch là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi "người hành chính". Đó là: Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; không sử dụng thời giờ làm việc cho việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc; không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, trục lợi...

Thực tế, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội chú trọng thực hiện. Chương trình công tác số 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức” là sự cụ thể hóa một cách thiết thực Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Cùng với việc xây dựng “con người hành chính”, những biểu hiện không đúng mực đều được chấn chỉnh kịp thời (tức là "chống", "ngăn chặn" gắn liền với "xây"). Có thể dẫn ra ví dụ là cách đây chưa lâu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố phê bình và yêu cầu rút kinh nghiệm đối với một số lãnh đạo sở, ngành có lời lẽ phát ngôn không chuẩn mực khi tiếp xúc, trao đổi với báo chí. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền kịp thời chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức trong giao tiếp với người dân, cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan. Thành phố sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công vụ, giám sát, phát hiện, chấn chỉnh đơn vị, cá nhân có vi phạm những quy định về kỷ luật công vụ.

Để xây dựng chính quyền phục vụ ở cả cấp trung ương cũng như từng địa phương, trong đó có Hà Nội, hay nói cách khác - để xây dựng cơ quan hành chính hiệu quả, cùng với cải cách thủ tục thì vấn đề "con người hành chính" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, việc thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, thực chất.

Có được "người hành chính" đúng nghĩa, hình ảnh những cái đầu túm tụm trước màn hình máy tính để "nghiên cứu" một nước cờ hay games; những chị em cười nói rôm rả, trên mặt bàn bừa bãi đồ ăn vặt; những khuôn mặt đỏ găng “hiệu ứng” bia, rượu... và anh công chức gác đôi chân nguyên giày lên bàn công vụ, ngả mình trên bộ ghế xoay Xuân Hòa ngủ ngon lành... sẽ bị đẩy lùi và tiến tới chấm dứt.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có một nền hành chính hiệu quả với những công chức tận tụy, vì dân, đúng nghĩa với từ “công bộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cất" đôi chân trên bàn công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.