Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển dấu ấn cá nhân thành dấu ấn chung

Hà An| 25/09/2016 06:21

(HNM) - Trung tuần tháng 7 vừa qua, những vỡ lở về tranh giả xuất hiện trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” được tổ chức ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã gây xôn xao cả công chúng và giới nghề.

Những ngày cuối tháng 9 này, “Mở cửa” - triển lãm đầu tiên do Bộ VH-TT&DL tổ chức có ý nghĩa khái quát chặng đường 30 năm đổi mới của nền mỹ thuật Việt Nam cũng thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng.

Tuy khác nhau, nhưng cả hai sự kiện đều có tác động lớn đến đời sống, thị trường mỹ thuật Việt, làm bộc lộ những mảng đối lập dữ dội giữa hạn chế và yêu cầu của sự đổi mới, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

30 năm qua, không kể các hoạt động định kỳ như các triển lãm “Mỹ thuật toàn quốc” (5 năm 1 lần), “Điêu khắc toàn quốc” (10 năm 1 lần), Festival Mỹ thuật trẻ (3 năm 1 lần)…, giới mỹ thuật còn nhiều triển lãm cá nhân, các giải thưởng thể hiện thành tựu của các thế hệ nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ. Có thể kể ra “Hóa thạch” - triển lãm điêu khắc thú vị về những ngôi nhà, góc phố Hà Nội, của Vương Văn Thạo từng được giải thưởng trong nước, quốc tế…

Nhưng thành tựu thì trồi sụt, còn các sự cố xảy ra với tần suất khiến cả công chúng và người trong nghề bức xúc đã làm ố vàng, loang lổ tấm toan chung của nền mỹ thuật đương đại. Đó là nạn tranh giả, tranh chép, tranh không có bản quyền. Đó là việc chưa có một thị trường mỹ thuật minh bạch, khiến giao dịch tranh ở các gallery dịch chuyển tự do như trong thế giới ngầm… Chưa hết, hội đồng chuyên môn không đủ mạnh đã đẩy việc thẩm định tác phẩm mỹ thuật vào tình cảnh được chăng hay chớ. Đặc biệt, do thiếu lực lượng giám tuyển chuyên nghiệp, nhiều xu hướng mỹ thuật mới xuất hiện chưa được kết nối hiệu quả tới công chúng. Lý luận phê bình lẽ ra phải soi tỏ, tạo động lực cho sáng tác thì cũng lại èo uột…

Mỹ thuật thực sự được xem là loại nghệ thuật độc lập sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhất so với các loại hình khác. Nhưng chúng ta đã và sẽ phải làm gì để kết nối các mảng màu, các khối dấu ấn sáng tạo cá nhân ấy trong sự phát triển nhịp nhàng, tạo nên dấu ấn cho một nền mỹ thuật đương đại giàu bản sắc?

Mục tiêu, động lực, lời giải cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam không phải đợi đến Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, mới có. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới đã chỉ rõ, phải: “Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT; thực hiện hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động VHNT; tăng mức đầu tư cho VHNT…”. Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh: “Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”; “Củng cố, tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả từ trung ương đến địa phương”…

Soi vào để thấy, những mong muốn của giới nghề về việc ra đời một Trung tâm bản quyền tranh, hay Nhà nước đầu tư vào thị trường mỹ thuật vừa để thu thuế, vừa để bảo hộ tác phẩm, rồi thành lập hiệp hội để điều tiết các gallery… đều nằm trong chủ trương trên.

Vậy thì, hướng đi đã có, vấn đề là cụ thể hóa và hành động để đưa mỹ thuật bứt phá từ dấu ấn cá nhân trở thành dấu ấn của cả nền nghệ thuật thị giác, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, kinh tế, hội nhập của đất nước!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dấu ấn cá nhân thành dấu ấn chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.