Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan tâm quyền lợi chính đáng của người dân

Tuấn Kiệt| 29/09/2016 06:50

(HNM) - Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.073 dự án phải thực hiện thu hồi đất; thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 1.711 dự án, với tổng diện tích đất hơn 8.462ha; chi trả hơn 54.829 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 213.554 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 9.924 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở…


Điểm qua một vài con số trên đây để thấy được khối lượng công việc GPMB liên quan đến các dự án, công trình trọng điểm hoặc cấp bách phục vụ dân sinh của Hà Nội thời gian qua rất lớn và không hề đơn giản.

Lâu nay, tiến độ GPMB của phần lớn các dự án, kể cả một số dự án trọng điểm còn chậm. Việc giải quyết yêu cầu tái định cư chưa đồng bộ, nhiều mặt còn bất cập; tình trạng khiếu nại liên quan đến GPMB vẫn diễn biến phức tạp; sự công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế… gây khó khăn, làm chậm tiến độ nhiều dự án.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành thu hồi đất cho khoảng 2.700 dự án, trong đó có 51 công trình trọng điểm. Tổng diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân. Như vậy là nhiệm vụ GPMB lớn hơn nhiều (gần gấp đôi về số dự án) so với giai đoạn trước. Vấn đề đặt ra là phải làm sao giải quyết được sự bế tắc trong cơ chế thỏa thuận, bồi thường vốn đang được xem là “rối như canh hẹ” lâu nay, và là vấn đề vướng mắc nhất tại cơ sở.

Mới đây, tại Nghị quyết số 08/NQ-TU về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo", Thành ủy Hà Nội đã xác định mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người phải di chuyển chỗ ở thực hiện tái định cư tự nguyện... Từ đó giảm dần các vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, GPMB. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải giải tỏa bức xúc của người dân khi thu hồi đất.

Trước mắt cần có những quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền xác định giá bồi thường đất sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Trong đó cần đưa ra thời hạn thỏa thuận được phép tối đa là bao lâu thì mới hạn chế được tình trạng chủ đầu tư thì “câu giờ” còn người dân thì “chây ỳ”, khắc phục tình trạng GPMB hàng chục năm mà vẫn không có đất để triển khai dự án. Ngoài ra cũng cần cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện.

Người dân rất mừng và kỳ vọng khi Nghị quyết 08/NQ-TU của Thành ủy xác định tầm quan trọng của công tác GPMB, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác này; gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương cơ sở, phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để tìm cách tháo gỡ các vấn đề phát sinh. Khi chính quyền cơ sở, cũng như ngành chức năng biết đặt quyền lợi của người dân vào vị trí trung tâm trong công tác GPMB thì công việc sẽ “thông”, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sẽ giảm, tránh được những bất bình trong dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm quyền lợi chính đáng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.