Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải đặt lợi ích chung lên trên hết

Đan Nhiễm| 30/09/2016 06:21

(HNM) - Câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai không nhận gửi xe cho người bệnh đến khám, điều trị đã làm nóng dư luận thời gian gần đây. Nhưng đó mới chỉ là “phần nổi” của câu chuyện quá tải hạ tầng đô thị khi chủ trương di dời nhiều trường đại học, bệnh viện, công sở, nhà máy ra khỏi vùng “lõi” đô thị đến nay hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.


Từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương di dời trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ quan hành chính ra khỏi nội đô (cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Đây là một quyết sách thể hiện tầm nhìn phát triển, cũng như giảm áp lực cho hạ tầng đô thị vốn ngày càng bí bách. Theo quy định, quỹ đất sau khi di dời phải được bàn giao lại cho địa phương để ưu tiên xây dựng công trình công cộng và giao thông tĩnh. Một số khu vực sau di dời sẽ chuyển sang làm quỹ đất thương mại, dành khoản thu này để xây dựng mới các trụ sở ở khu vực ngoại thành…

Thế nhưng, trên thực tế câu chuyện trên đang có xu hướng đi ngược lại. Bởi vì, rất nhiều cơ quan cấp bộ đã xây trụ sở mới nhưng vẫn “hưởng” nguyên cơ ngơi cũ với lý do: “Nếu tính theo định mức diện tích phòng làm việc của cán bộ, công chức nhà nước thì trụ sở mới vẫn chưa đủ!”. Nhiều bệnh viện, trường đại học dù đã có cơ sở 2, bệnh viện vệ tinh nhưng cũng chưa có đơn vị nào di dời hẳn ra khỏi nội đô. Thậm chí, hầu hết trong số đó tiếp tục được xây mới nhiều đơn nguyên trong một phạm vi không thể rộng hơn nữa với mục đích “nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân”. Các đơn vị này cũng nêu thêm lý do là không có nguồn lực để di dời… Đúng là “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” và hệ quả, áp lực với hạ tầng đô thị thì ai cũng nhận ra.

Tất nhiên, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho việc chậm thực hiện chủ trương di dời bệnh viện, trường học, công sở, nhà máy ra khỏi nội đô là nguyên nhân chính gây tắc đường, phá vỡ quy hoạch đô thị… là chưa chính xác, nhưng sự can dự của việc này tới thực tế bức xúc là cũng không thể phủ nhận.

Vậy giải pháp căn cơ cho bài toán nan giải trên là gì?

Đáp án chung nhất trong vấn đề này là tất cả các bên phải hy sinh quyền lợi trước mắt vì mục tiêu phát triển bền vững của đô thị nói chung trong tương lai. Do đó, việc sớm có rà soát tổng thể quỹ đất, quỹ nhà của các bộ, ngành, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học… là cần thiết. Đơn vị nào đã xây thêm trụ sở mới thì vì sao không chịu bàn giao đất và việc giữ lại “đất vàng” có hợp lý hay không, có cho thuê sử dụng sai mục đích hay không?

Từ sự rà soát này sẽ có phương án tổng thể và có lộ trình thích hợp cho việc di dời cũng như phương án sau di dời. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (điều kiện sinh hoạt văn hóa, thương mại…) ở những nơi dự kiến các bệnh viện, công sở, trường học chuyển đến cũng phải được bảo đảm gần bằng nơi cũ. Tất cả các kế hoạch này cần được công bố công khai để người dân giám sát. Tất nhiên, vấn đề này không một bộ, ngành, địa phương nào có thể thực hiện được nếu không có sự phối hợp liên ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và đô thị “xanh - sạch - đẹp”. Muốn vậy, chủ trương di dời các bệnh viện, trường học, công sở ra nội đô cần phải được thực hiện nghiêm. Vấn đề là các bộ, ngành cũng phải vì Hà Nội, đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết, để quyết liệt triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải đặt lợi ích chung lên trên hết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.