Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có cách tiếp cận mới

Nữ Quỳnh| 22/10/2016 07:10

(HNM) - Tháng 2, rồi tháng 4, tháng 7, tháng 9 và tháng 10-2016, Báo Hànộimới đều có các bài viết phản ánh về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Hà Nội. Có thông tin đề cập đến tình hình của một quận, một huyện nhưng cũng có những thông tin nêu vấn đề nảy sinh gây bức xúc mang tính riêng biệt. Xét cho cùng, câu chuyện “bồi thường” sao cho thỏa đáng với mỗi khu đất Nhà nước thu hồi phục vụ xây dựng công trình công cộng, dân sinh là điều không hề đơn giản.


Tại Hà Nội, bên cạnh những kết quả tích cực, phải thừa nhận rằng tiến độ GPMB của nhiều dự án, gồm cả một số dự án trọng điểm, thực tế còn chậm, việc giải quyết yêu cầu tái định cư chưa đồng bộ, có mặt còn bất cập; tình trạng khiếu nại về bồi thường, tái định cư... vẫn diễn biến phức tạp; còn thiếu các giải pháp đột phá về trình tự, thủ tục, tổ chức thực hiện nhiệm vụ GPMB. Người dân có lý của mình, còn chính quyền cũng có cái khó riêng. Việc chậm tiến độ các dự án không chỉ do cơ chế, chính sách dẫn tới thắc mắc, khiếu kiện, mà còn có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa chủ đầu tư với sở, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong GPMB chưa chặt chẽ. 

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án, trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân sẽ được triển khai. Xác định nhiệm vụ quan trọng và to lớn này trong việc đẩy mạnh đầu tư, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, mới đây Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

Mục tiêu của Nghị quyết 08 là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người phải di chuyển chỗ ở thực hiện tái định cư tự nguyện, được tự lựa chọn hình thức tái định cư bằng việc nhận nhà hoặc nhận tiền, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các hộ dân. Giảm dần các vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, GPMB.

Có thể nói, việc xây dựng cơ chế, chính sách, sử dụng vốn nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp để GPMB thực hiện dự án và GPMB theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án FDI để kêu gọi đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực tài chính đang là yêu cầu cấp bách. Dĩ nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, yêu cầu trước mắt là phải gỡ được những nút thắt bấy lâu đang tồn tại.

Nhiệm vụ này đòi hỏi sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, coi đây là vấn đề trọng tâm, thường xuyên, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao. Để đạt hiệu quả, cần xóa bỏ tâm lý phân biệt giữa công trình do địa phương quản lý và các công trình cấp quốc gia. Trong công tác chỉ đạo, các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, dự án công trình theo tuyến, nên xem xét tách thành tiểu dự án GPMB và phê duyệt để GPMB trước khi tổ chức thi công. Ở đây, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình cũng được đặt ra hết sức trách nhiệm. Do đó, đòi hỏi phải có phương pháp, cách tiếp cận mới với sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện, trong đó cần tăng cường công khai, minh bạch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cách tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.