Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có nền móng vững chắc

Dục Tú| 23/10/2016 06:41

(HNM) - Vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2016 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô”. Đó là một cuộc thi đặc biệt ấn tượng, không chỉ vì thí sinh tham gia là những bé gái, bé trai hồn nhiên trong sáng, mà còn bởi khả năng sáng tạo của các em trong sứ mệnh làm lan tỏa tình yêu sách, cổ vũ cho văn hóa đọc.

Có thể cảm nhận điều đó qua phát biểu của Nguyễn Vân Thùy Linh - học sinh lớp 9A4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, một trong hai thí sinh vinh dự được nhận danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu của Thủ đô năm 2016”: “Em tin mỗi bạn nhỏ đều có vô số ý tưởng để đóng góp phát triển văn hóa đọc, bởi nhiệm vụ lan tỏa tình yêu sách không chỉ đến từ ông, bà, cha, mẹ người lớn, mà cả ở chiều ngược lại...”.

Hà Nội và cả nước không chỉ có cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, mà còn có Ngày hội sách và Hội thi thiếu nhi kể chuyện sách hè được tổ chức hằng năm tại các địa phương, các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam - Ngày Sách và Bản quyền thế giới… Đó là những hoạt động bổ trợ nhằm làm lan tỏa tình yêu sách, thói quen đọc sách hằng ngày, góp phần tạo dựng nền móng cho sự hình thành văn hóa đọc đúng nghĩa trong cộng đồng.

Tuy nhiên, văn hóa đọc muốn có được nền móng vững chắc thì tinh thần của nó phải được lan tỏa rộng rãi, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Tinh thần ấy là gì? Liệu có phải cứ có nhiều kỳ cuộc liên quan tới sách, có nhiều người đọc sách, xuất bản thật nhiều sách hay, sách đẹp là đã có được văn hóa đọc hay không?

Có nhiều cách hiểu mà ngẫm ra, văn hóa đọc đúng nghĩa phải là dạng thức đem lại lợi ích đích thực cho cộng đồng nhờ sách, nhờ tri thức mà ta thu được từ sách. Như một chuyên gia đã nhận định, văn hóa đọc có thể và cần được hình thành qua nhiều cấp độ.

Thứ nhất, chúng ta tìm cách làm lan tỏa sự đọc, khiến ai cũng cảm nhận được sự cần thiết phải đọc. Thứ hai, là giải mã câu hỏi nên đọc gì, đọc để làm gì, tại sao lại đọc loại sách này mà không phải sách ngôn tình hay thứ gì đó khiến ta ủy mị, không giúp ta nhận diện đời sống, hình thành ý thức lao động vì cuộc sống và lợi ích của cả cộng đồng, trong đó có từng cá nhân. Thứ ba, văn hóa đọc đúng nghĩa được hình thành là khi những gì mà ta đã đọc, cảm nhận được ta vận dụng vào thực tế, giúp ích cho cuộc sống này. Đó là văn hóa đọc mà chúng ta hướng tới.

Nếu đồng ý với nhận định nói trên, chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về thành quả và hạn chế trong hành trình xây dựng văn hóa đọc. Thứ nhất, tuy số lượng xuất bản phẩm tăng lên hằng năm, số lượng sách cho cảm giác đủ đầy về sự đọc, nhưng xét trong toàn quốc, bao gồm vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận với sách vẫn còn nhiều hạn chế đối với nhiều người. Hơn nữa, tính tổng thể, cả đô thị và nông thôn, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam vẫn còn thua xa nhiều nước trên thế giới, chỉ bằng 1/5 so với Pháp, Nhật Bản… Đó là điểm hạn chế căn bản mà chúng ta cần khắc phục, chuyển tải ý thức đọc đến cộng đồng, giúp toàn dân nhận thức cụ thể hơn về lợi ích lớn lao từ việc đọc sách.

Bởi thế, như những gì đã thấy từ Nguyễn Vân Thùy Linh và chúng bạn trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô 2016”, điều đầu tiên mà chúng ta cần hướng tới trong hành trình xây dựng văn hóa đọc chính là làm lan tỏa rộng rãi tình yêu đối với sách, thói quen đọc sách trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có nền móng vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.