Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến tạo từ những điều cụ thể, thiết thực

Hà An| 25/10/2016 06:55

(HNM) - Ngày 4-10, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2128/QĐ-BTC về việc thí điểm khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân.


Theo đó, với chương trình thí điểm từ tháng 11-2016 đến hết tháng 12-2017, cá nhân có nhà cho thuê ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và thuộc sự quản lý của cơ quan thuế tại hai thành phố này hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế tại bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào chỉ với một thiết bị máy tính, điện thoại… có kết nối internet.

Có thể cá nhân cho thuê nhà (khi có mức thu nhập nhất định thuộc diện nộp thuế) chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể so với con số hộ kinh doanh và hoạt động này cũng mới là một bước nhỏ trong tiến trình cải cách hành chính, thực hiện “Chính phủ điện tử” của Ngành Thuế nói riêng và cả nước nói chung. Song như thế không có nghĩa là không quan trọng!

Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu rằng việc gì liên quan đến dân thì đều không phải là việc nhỏ và cần phải quan tâm tới cả những việc nhỏ nhưng thiết thực cho dân.

Chính phủ kiến tạo dù rất cần một tầm nhìn xa nhưng cũng luôn phải bắt đầu từ những việc hết sức cụ thể!
Thuế điện tử rõ ràng sẽ tạo thuận lợi đáng kể với cá nhân cho thuê nhà, nhất là người có nhiều nhà cho thuê. Thay vì phải lóc cóc đến Chi cục Thuế để nộp hồ sơ khai thuế, hoặc gửi qua đường bưu chính, rồi lại đến ngân hàng, kho bạc để nộp, chưa kể còn bị bó buộc vào giờ hành chính… thì nay các chủ nhà có thể nhàn nhã hơn. Tính chất “một cửa” thể hiện rõ không chỉ trong việc giao dịch các bước qua mạng mà còn ở việc chỉ mất công lần đầu đăng ký tài khoản giao dịch thuế…

Dịch vụ này đặc biệt cũng giúp Ngành Thuế tạo cơ sở dữ liệu phục vụ lâu dài, tiện lợi cho việc quản lý thuế đối với cá nhân cho thuê nhà.

Tuy nhiên, để hoạt động này không chỉ dừng ở “thí điểm”, có thể triển khai diện rộng và đặc biệt là có thể mở rộng phục vụ các nhóm đối tượng khác như hộ kinh doanh, người dân (khai lệ phí trước bạ, ô tô, xe máy, nhà đất)... góp phần minh bạch hóa hoạt động nộp thuế, chống thất thu thuế, thì rất cần một sự chuẩn bị chu đáo.

Trong đó, ngoài việc sẵn sàng về hạ tầng công nghệ thông tin nhanh, chuẩn xác, phục vụ cho người nộp thế truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế thì công tác tuyên truyền, giải đáp thắc mắc phải đi trước và đồng hành cùng người nộp thuế. Bảo đảm người nộp thuế được tiếp cận dịch vụ mới kịp thời và đặc biệt giúp Ngành Thuế thu thập thông tin, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, tiến tới đề xuất giải pháp hoàn thiện quy trình này một cách khả thi nhất.

Nhiệm vụ này cũng không chỉ là việc riêng của Ngành Thuế, của Bộ Tài chính, mà còn là trách nhiệm các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... đúng như tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử ngày 14-10-2015 đã nêu “Tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng…”. Một ví dụ như ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần triển khai dịch vụ này là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, người nộp thuế mong muốn Bộ Tài chính sẽ tiếp tục mở rộng số lượng các ngân hàng phục vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân.

Cuối cùng, “điện tử” - hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế con người. Tinh thần và thái độ phục vụ của Ngành Thuế, của chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong việc hỗ trợ cá nhân tiếp cận dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ thuế điện tử mới là quan trọng để không chỉ góp phần cải thiện từng bước môi trường kinh doanh mà còn tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo từ những điều cụ thể, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.