Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhanh một giây, chậm cả đời!

Mai Lâm| 28/10/2016 06:56

Đó là một “slogan” khá nổi tiếng về bảo đảm an toàn giao thông. Hiểu đơn giản là nếu vội vã thiếu quan sát, đi quá tốc độ, chưa chắc đã nhanh hơn mà còn có thể mất mạng.


Với giao thông đường sắt, một lĩnh vực đặc thù, càng đáng lưu ý. Không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới đường sắt mà nguyên nhân do người tham gia giao thông đường bộ đã xảy ra. Gần đây nhất, 6 nạn nhân đã thiệt mạng sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa một ô tô va chạm với tàu SE2 vào rạng sáng 24-10, tại Thường Tín, Hà Nội, nguyên nhân do chiếc ô tô đã cố tình vượt đường ngang dù hệ thống cảnh báo tự động đã phát tín hiệu yêu cầu các phương tiện giao thông đường bộ dừng lại, nhường đường.

Theo quy định của pháp luật, đường sắt luôn được ưu tiên, đặc biệt là tại các điểm giao cắt với đường bộ. Cụ thể, khi nhân viên đã kéo rào chắn, hoặc khi đã có chuông cảnh báo, các phương tiện đường bộ tham gia giao thông tại các điểm giao cắt với đường sắt đều phải dừng lại, chờ tàu hỏa đi qua mới tiếp tục hành trình.

Vậy mà…

Tai nạn đã xảy ra! Thiệt hại không thể cứu vãn! Đáng tiếc, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã từng xảy ra tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Hồi chuông cảnh báo “đắt giá” với ý thức người tham gia giao thông không những chưa dừng lại mà còn thêm phần gióng giả.
Ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc liên quan tới đường sắt. Như đã nói, theo luật, đường sắt luôn được ưu tiên, được nhường đường để bảo đảm hành trình. Các điểm đường ngang (đường bộ giao cắt với đường sắt) chỉ được mở khi và chỉ khi có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tiếc là, trên gần 2 nghìn kilômét đường sắt Bắc - Nam, đã xuất hiện vô số điểm giao cắt tự phát. Và, hậu quả đã xảy ra…

Để khắc phục những vụ tai nạn không đáng có, ngày 27-12-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư, phần nào đã hạn chế những vụ tai nạn không đáng có. Nhiều điểm giao cắt trái phép đã được “bịt”, nhưng cũng vì nhiều lý do, vẫn còn không ít điểm chưa được xử lý dứt điểm. Được biết, hiện cả nước còn 4.302 lối đi dân sinh tự phát hoạt động, luôn thường trực nguy cơ tai nạn. Thậm chí, tại một số nơi, khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành xây dựng đường dân sinh, bịt đường ngang, còn vướng phải sự phản ứng…

Đó là chưa kể, trong một số tình huống, dù đã có chuông cảnh báo, dù rào chắn đã đóng, nhưng không ít người tham gia giao thông vẫn cố tình vượt qua. Trong thời buổi kỹ thuật số, chẳng hiếm gặp người tham gia giao thông đeo tai nghe trên đường, dù đây là một kênh tiếp cận thông tin cảnh báo chẳng kém gì đôi mắt. Khi đầu óc lơ đễnh, đương nhiên tai nạn sẽ xảy ra…

Xảy ra tai nạn giao thông, đương nhiên, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nếu có liên quan tới phạm vi quản lý. Nhưng, trước hết, trách nhiệm thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Chấp hành đúng quy định về giao thông, đương nhiên, sẽ hạn chế tối đa bất trắc xảy ra với bản thân. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đừng “nhanh một giây, chậm cả đời”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh một giây, chậm cả đời!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.