Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữa bệnh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”

Dục Tú| 20/11/2016 05:12

(HNM) - Hỏa hoạn tại các di tích là điều diễn ra từ lâu, đến nay vẫn là điều gây lo lắng thường trực. Cùng với đó, nạn mất cắp cổ vật tại di tích cũng để lại nỗi lo lớn, đặc biệt là sau khi bức tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) bị mất lần thứ hai (đã tìm lại được) vào rạng sáng ngày 29-9-2016.


Một cổ vật được nhiều chuyên gia đánh giá là xứng đáng được đưa vào danh sách bảo vật quốc gia, từng bị đánh cắp vào năm 1988 nhưng may tìm lại được, nay lại bị lấy trộm thêm một lần nữa, cho thấy công tác quản lý di tích còn rất nhiều hạn chế. Có thể nói như vậy bởi trong nhiều năm qua, trên phạm vi cả nước đã có hàng nghìn vụ mất trộm cổ vật, hiện vật trong đình, chùa, từ sắc phong, đại tự, hoành phi đến chuông thờ, tượng thờ…

Vì sao mà chùa vẫn cháy và cổ vật vẫn mất dù dư luận xã hội thường xuyên gióng chuông báo động và cơ quan quản lý các cấp đã ban hành nhiều văn bản quản lý về lĩnh vực này? Vấn đề liệu có phải chỉ do công tác bảo vệ tại các điểm di tích còn nhiều lỗ hổng, thường do người nhà chùa đảm nhiệm, do đa số hạng mục trong di tích được làm bằng chất dễ cháy nên mới xảy ra hỏa hoạn và dễ bị mất trộm? Có phải chỉ do chế độ đãi ngộ dành cho bộ phận chịu trách nhiệm trông coi di tích còn bất cập nên hiệu quả bảo vệ di tích chưa cao? Liệu có phải việc phân cấp, phân nhiệm liên quan tới quản lý di tích tại một số địa phương chưa chặt chẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” - như nhiều người đã nhận định khi đề cập tới nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình chùa miếu mạo bị xâm hại trong thời gian qua?

Ngẫm ra, dù nguyên nhân gây cháy, khiến di tích bị mất trộm cổ vật, hiện vật là tổng hòa của các mặt hạn chế nói trên, song trước tiên chúng ta vẫn cần tìm ra nguyên nhân cơ bản để hướng nỗ lực chỉnh sửa vào đó.

Xem xét hiện tượng, đánh giá nguyên nhân, có thể đưa ra nhận định rằng: Hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý di tích nói riêng và di sản văn hóa nói chung liên quan tới việc xác định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi sự cố xảy ra. Nói cách khác, chính tâm lý “cha chung không ai khóc” là nguyên nhân chính dẫn đến sự buông lỏng quản lý, lơ là trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa. Tâm lý đó hình thành do nhiều nguyên nhân, trước hết do tư duy, do ý thức trách nhiệm hạn chế ở một bộ phận cán bộ, người được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý di tích; sau đó là do cách thức điều tra, xử lý đối với những người có trách nhiệm trước những vụ hỏa hoạn, thất thoát cổ vật còn chưa đủ nghiêm. Hàng nghìn vụ mất trộm cổ vật, hiện vật xảy ra nhưng hầu như không có ai bị xử lý kỷ luật, đó có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự buông lỏng kỷ cương, lơ là trách nhiệm.

Chữa căn bệnh “cha chung không ai khóc” thì phải thắt chặt quy trình kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý di tích nhằm thúc đẩy ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa, chính quyền địa phương cũng như những người được giao nhiệm vụ trông coi di tích. Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với giao trách nhiệm cụ thể, nhằm tránh tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữa bệnh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.