Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò trung tâm, kết nối

Tuấn Kiệt| 02/12/2016 06:12

(HNM) - Ngoài vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Hà Nội còn giữ vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu, có sức lan tỏa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển không chỉ của Vùng Thủ đô, mà còn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.


Ngược lại, Hà Nội đặc biệt coi trọng tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước, xác định chính những thế mạnh của các tỉnh, thành phố sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Thủ đô đầu tư, cũng là nguồn bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm cần thiết đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô.

Gần đây, TP Hà Nội đã liên tiếp tổ chức ký kết hợp tác với nhiều tỉnh. Ví dụ, ở lĩnh vực kinh tế, đã ký kết hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm với một loạt địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Lào Cai, Sơn La... hay với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ở lĩnh vực du lịch, Hà Nội cũng ký kết hợp tác với nhiều địa phương, điển hình là việc ký kết với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ vào tháng 10 vừa qua.

Hiện nay, có ba lĩnh vực đang được Hà Nội thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các tỉnh, thành là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đánh giá chung thì việc hợp tác phát triển kinh tế vùng của Hà Nội cũng như với cả nước thời gian qua sức lan tỏa chưa mạnh, vai trò điều phối kinh tế chưa được thể hiện rõ nét. Đây chính là thực tế đòi hỏi Hà Nội cũng như các địa phương cần chủ động hơn nữa.

Với hơn 9 triệu người sinh hoạt thường xuyên, quy mô đô thị ngày càng mở rộng, nhưng Hà Nội mới tự cung cấp được khoảng 60% các loại thực phẩm. Đây chính là cơ sở để Hà Nội trở thành thị trường quan trọng cho các tỉnh thúc đẩy hơn nữa hợp tác về thương mại và đầu tư, là một đầu mối quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhận thức rõ về thực trạng này, TP Hà Nội đã và đang tiếp tục có các chính sách huy động mọi nguồn lực, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, với các tuyến cao tốc và giao thông liên tỉnh quan trọng đi các địa phương lân cận như Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình… nhằm tăng cường giao thương, thúc đẩy kinh tế Thủ đô và các tỉnh phát triển. Lẽ dĩ nhiên, giao lưu hợp tác không chỉ bó gọn trong phát triển kinh tế, mà còn mở rộng cả về văn hóa - xã hội.

Có thể khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa Thủ đô (gồm cả Vùng Thủ đô) với các vùng khác rất lớn. Kết nối với Hà Nội, chắc chắn hàng hóa của các địa phương, nhất là nông sản sẽ có thị trường tiêu thụ được giá và ổn định. Ở chiều ngược lại, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng có thêm một thị trường rộng lớn với nhu cầu đa dạng, tốc độ tăng trưởng nhanh. Bởi thế, chắc chắn Hà Nội luôn sẵn sàng kết nối cung cầu với các địa phương, và ngược lại. Nhưng ngoài sự chủ động của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố, thì một cơ chế điều hành tổng thể mối quan hệ trong vùng ở tầm Chính phủ, kể cả sự cần thiết phải luật hóa Vùng Thủ đô một cách cụ thể cũng có thể đặt ra, với tính chất ràng buộc trách nhiệm cao hơn.

Thực tế từ nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa điểm đầu tư an toàn, với môi trường chính trị ổn định, nhu cầu thị trường phát triển mạnh và đa dạng. Với sức hút rất lớn như vậy, và khi đã xác định rõ vai trò trung tâm, kết nối, sẽ tạo điều kiện để phát triển bứt phá cho Thủ đô, cũng là thị trường lý tưởng cho hàng hóa các vùng miền. Đây cũng là điều mà Hà Nội và các tỉnh đều mong đợi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò trung tâm, kết nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.