Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi sách không chỉ để đọc!

Tuấn Minh| 04/12/2016 07:09

(HNM) - Sách không chỉ để đọc! Sách cần một không gian đúng nghĩa để ở đó các sự kiện tôn vinh văn hóa đọc sẽ diễn ra; bạn đọc có thể giao lưu, chia sẻ những mối quan tâm đối với sách cũng như đối thoại trực tiếp với các tác giả. Nhìn xa hơn, tôn vinh sách là để khơi dậy văn hóa đọc, góp phần định hướng giá trị văn hóa nói chung và xây dựng con người trong bối cảnh các phương tiện giải trí phát triển như vũ bão.


Với nhiều quốc gia trên thế giới, Phố sách từ lâu đã trở thành một điểm hẹn văn hóa cho những người yêu sách, nơi tôn vinh văn hóa đọc. Có thể kể ra một vài Phố sách nổi tiếng như: Kanda Jimbocho (Nhật Bản), với tuổi đời phát triển hơn 100 năm. Trên con đường chỉ dài 500m này có đến 10 triệu đầu sách, 160 hiệu sách và mỗi cửa hiệu chuyên một lĩnh vực; hay tại Frankfurt (Đức) - nơi hằng năm tổ chức hội chợ sách lớn và lâu đời nhất thế giới, thu hút hơn 7.000 nhà xuất bản đến từ hơn 100 quốc gia tham dự.

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng một xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển hoạt động xuất bản cũng như nâng cao văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trên tinh thần đó, ngày 2-11-2016, Thành ủy Hà Nội ra Thông báo số 448-TB/TU về ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về dự thảo Đề án Phố sách Hà Nội do Sở TTTT đề xuất. Theo đó Thường trực Thành ủy đã đồng ý về chủ trương phê duyệt Phố sách theo đề xuất tại Tờ trình số 362-TTr/BCS của Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Như vậy, nếu không có gì thay đổi kể từ ngày 19-12, Hà Nội sẽ có thêm một phố mới: Phố sách - tại phố 19-12. Với chiều dài khoảng 200m, Phố sách Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng các tiêu chí như phù hợp với cảnh quan đô thị, có không gian văn hóa, diện tích dành cho độc giả; các gian hàng sách gắn với các hoạt động giao lưu…

Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến - nổi tiếng với “36 phố phường”, việc ra đời Phố sách đầu tiên như một điểm nhấn văn hóa giữa lòng Thủ đô, một địa chỉ văn hóa để giới thiệu những cuốn sách, bộ sách giá trị, nơi tác giả và độc giả gặp gỡ, giao lưu, tọa đàm về sách…

Với vị thế trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách và liên kết xuất bản. Đây là thuận lợi lớn trong nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu về văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô và cả nước. Vì thế, việc ra đời Phố sách không chỉ góp phần phát triển hoạt động xuất bản, mà qua đó giúp xây dựng chiến lược phát triển văn hóa của Thủ đô, khơi dậy văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân như một nép đẹp người Tràng An, truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam.

Thế nhưng, để Phố sách Hà Nội đi vào hoạt động hiệu quả, sự vào cuộc của các đơn vị liên quan cùng với đẩy mạnh huy động kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá, kiểm soát chặt nội dung các ấn phẩm trước khi trưng bày, bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường… Tất cả những yếu tố này đều tác động tới việc thu hút độc giả đến với Phố sách Hà Nội.

Song, điều quan trọng hơn là làm thế nào để Phố sách Hà Nội không chỉ là nơi bán sách, đọc sách mà còn mở ra không gian văn hóa, hình thành thêm một điểm sáng văn hóa - du lịch trong không gian Phố đi bộ, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi sách không chỉ để đọc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.