Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực phát triển kinh tế

Hà An| 31/12/2016 07:32

(HNM) - Có thể nói, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước; một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu DNNN đồng thời là một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.


CPH, thoái vốn DNNN ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối không nằm ngoài mục tiêu mang lại sức sống mới, sức phát triển mới cho lực lượng doanh nghiệp sở hữu nhà nước. Đặc biệt, việc thực hiện CPH, thoái vốn DNNN giai đoạn 2016-2020 không chỉ có ý nghĩa tiếp nối kết quả đề án CPH, thoái vốn DNNN giai đoạn 2011-2015 mà còn góp phần thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ ngày 1-11-2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó là Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 của Chính phủ.

Nhìn lại trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, trong đó CPH được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch về số lượng. Đến nay, tổng cộng đã có 5.950 doanh nghiệp được sắp xếp lại, trong đó 4.460 doanh nghiệp CPH… Tuy nhiên, phía sau các con số phải là một kết quả thực chất, hiệu quả, làm sao để doanh nghiệp CPH, thoái vốn một cách công khai minh bạch, hạn chế tối đa thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước; quan trọng không kém là doanh nghiệp sau CPH phải tăng sức cạnh tranh, đóng góp đắc lực vào sự phát triển nền kinh tế thể hiện qua các chỉ số về lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động…

Quá trình CPH thời gian qua đã cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những hạn chế như các lỗ hổng trong quy trình thoái vốn có thể dẫn đến thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước; chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn thoái vốn DNNN; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá đối với doanh nghiệp được thoái vốn…

Vì vậy, để chủ trương đúng đắn và quan trọng này đi vào thực chất thì cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng: DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.

Tiếp đó, "đẩy mạnh CPH, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước”như Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu. Muốn như vậy, phải nghiên cứu, bổ sung các quy định để chống tham nhũng, tiêu cực trong CPH, trong đó quy định tính giá trị lợi thế quyền được thuê đất, được giao đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH DNNN. Cũng cần sớm ban hành tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Quan trọng không kém, các bộ, ngành, địa phương… cần quán triệt, thực hiện lộ trình tái cơ cấu một cách quyết liệt, với tinh thần Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Bản thân doanh nghiệp phải chủ động, bám sát thực tiễn đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, để thúc đẩy CPH, thoái vốn nhanh và hiệu quả.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau.

Với tinh thần và hàng loạt giải pháp vào thực chất, hiệu quả như trên, hoạt động CPH, thoái vốn DNNN giai đoạn 2016-2020 mới có thể dần tháo gỡ những rào cản; từng bước tạo động lực phát triển cho nền kinh tế nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.