Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lộ trình thích hợp

Đức Duy| 03/01/2017 06:24

(HNM) - Những ngày qua, dư luận cả nước không khỏi lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017. Trong đó, nội dung bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là những lo ngại ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường ĐH-CĐ.


Từ nhiều năm nay, việc quy định điểm sàn được xem như một giới hạn để bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH, CĐ không tụt quá thấp. Vì thế, ở thời điểm này khi mà tính tự chủ của các trường còn chưa cao, việc bỏ điểm sàn khiến nhiều người lo lắng dẫn đến tình trạng "phổ cập ĐH"; phá vỡ sự phân luồng học sinh vào trường nghề; tỷ lệ thí sinh ảo lớn; không công bằng với các trường ngoài công lập. Đặc biệt, khi đầu vào "thả nổi" ắt rằng chất lượng nguồn nhân lực đầu ra khó có thể không bảo đảm và gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội...

Có thể nói, bỏ điểm sàn chỉ phù hợp với số ít các trường ĐH tốp đầu, còn lại gần 500 trường ĐH, CĐ tốp dưới vẫn phải căn cứ vào điểm sàn để giữ ổn định chất lượng tuyển sinh. Thế nên, dù việc "bỏ sàn" là xu hướng để cạnh tranh, nhưng không thể nói là bỏ ngay được mà cần có lộ trình phù hợp. Thực tế, ngưỡng bảo đảm đầu vào (còn gọi là điểm sàn) vẫn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GĐ-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của các phương án khác nhau. Bên cạnh đó cũng cần trao đổi, thống nhất với các trường ĐH để quyết định phương án xác định điểm sàn sao cho phù hợp.

Dù thế nào thì trong thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn cần quản lý chặt đầu vào và đầu ra của các trường ĐH. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH để tránh trường hợp thí sinh chỉ đạt dưới 10 điểm 3 môn vẫn trúng tuyển. Chỉ khi nào các trường ĐH đã qua kiểm định và có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh đầu vào và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đầu ra mới tính đến việc bỏ điểm sàn. Đối với những trường chưa được kiểm định chất lượng, chưa chứng minh cho xã hội thấy đủ năng lực đào tạo thì vẫn nên áp dụng mức điểm sàn với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển. Thêm nữa, Bộ có thể nghiên cứu phương án tuyển sinh dựa trên căn cứ điểm trung bình của học sinh thông qua học bạ để bảo đảm chất lượng đầu vào tối thiểu.

Ngoài ra, cũng cần yêu cầu các trường ĐH công khai những yếu tố khẳng định chất lượng như số giáo sư, tiến sĩ, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, tỷ lệ việc làm theo ngành nghề và thu nhập trung bình của sinh viên sau khi ra trường để làm căn cứ cho thí sinh chọn ngành, chọn trường đăng ký xét tuyển đầu vào...

Với bất cứ phương thức tuyển sinh nào thì mục tiêu quan trọng nhất mà xã hội quan tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo sự công bằng và giảm gánh nặng kinh tế cho người dân. Do vậy, trước khi Bộ GD-ĐT ban hành các quy chế tuyển sinh mới cần tham khảo và chắt lọc ý kiến đóng góp của xã hội, nhất là từ các trường ĐH, CĐ, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà giáo giàu kinh nghiệm để xây dựng được phương án tuyển sinh tối ưu nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lộ trình thích hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.