Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi cách nhìn nhận về lễ hội

Nữ Quỳnh| 11/01/2017 06:18

(HNM) - Lễ hội vốn được xem như là cây cầu nối quá khứ với hiện tại. Có lẽ từ thuở con người biết sống theo cộng đồng thì các lễ hội cũng đã xuất hiện. Có những nước như Nepal mỗi năm có tới 120 ngày lễ...

Mỗi lễ hội thường kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng, vì thế mà ở thủ đô Kathmandu hầu như ngày nào cũng tràn đầy không khí lễ hội. Hay như ở đất nước Colombia, Brazil... lễ hội như một phần của cuộc sống, như nước và không khí, những thứ không thể thiếu để con người tồn tại.

Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Có lễ hội từ ngàn xưa, có lễ hội hiện đại. Xưa các cụ có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, ngày nay khi đời sống của nhân dân được nâng cao, dịp lễ tết được nghỉ dài hơn thì số người tham gia lễ hội cũng ngày càng đông, điển hình như lễ hội đền Trần (Nam Định), hội đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Pháo hoa (Đà Nẵng)...

Có thể thấy, lễ hội chính là nơi thể hiện rõ nét nhất văn hóa đặc trưng của một vùng hay một cộng đồng người. Nó cũng chính là nơi con người ta dễ dàng tìm thấy sự thoải mái, sống thật với mình nhất, nơi có thể buông bỏ mọi ưu phiền thường nhật để thỏa mãn nhu cầu giải trí hay tâm linh.

Nhưng, có điều vẫn được bàn đi nói lại rất nhiều, đó chính là thực trạng người đi hội đông mà “văn hóa lễ hội” lại chưa xứng tầm. Hiện nay, có nhiều người tham gia lễ hội theo trào lưu chứ chưa hiểu đúng giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Cũng có nhiều người đến lễ hội vì những mục đích riêng, phi văn hóa biến nơi thấm đậm chất truyền thống nhuốm màu của xô bồ, vội vã, tạo nên một mớ bòng bong, hỗn độn như tình trạng xảy ra ở đền Trần, ở hội Phết - Hiền Quan... mà dư luận đã từng phản ánh.

Và lâu nay, với những cái xấu tồn tại trong hoạt động lễ hội dường như đều được đổ tại cho công tác quản lý mà ít ai tự nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều người trong chúng ta quên rằng, lễ hội là một sản phẩm văn hóa, gắn liền với đời sống xã hội nên cùng với sự phát triển của xã hội, các lễ hội cũng phát triển có sự đan xen giữa cái mới với cái cũ, có tiến bộ và lạc hậu; có cái tốt, có cái biến tướng…

Chính vì vậy, chúng ta cần phải đổi mới tư duy và nhận thức về lễ hội hiện nay. Đất nước trong thời kỳ hội nhập đã có nhiều thay đổi, nền tảng kinh tế và xã hội cũng biến đổi rất nhiều. Trước sự phát triển của đô thị hóa, của công nghệ hiện đại, thì nếp sống trong từng mái nhà, từng cộng đồng dân cư cũng không còn như trước. Vì thế cần rạch ròi trong quan niệm về văn hóa nói chung và văn hóa lễ hội nói riêng. Phải bảo đảm nền tảng của phát triển luôn gắn kết giữa truyền thống với khát vọng vươn lên.

Đối với công tác tổ chức, quản lý lễ hội, như đã nói, lễ hội là một thực thể văn hóa, tinh thần, tinh hoa của một cộng đồng và nó vẫn liên tục vận động, biến đổi theo những đổi thay của cuộc sống. Vì thế, việc quản lý hoạt động lễ hội không thể chỉ là sự dập khuôn từ năm này qua năm khác, cũng không phải chỉ có kiểm tra, giám sát, phê phán chỗ này chỗ kia... mà phải là một chuỗi quản lý thống nhất, đòi hỏi các cấp quản lý phải luôn vận động linh hoạt, dựa trên cơ sở khoa học sâu sắc, biết lúc nào thì đẩy mạnh “hội” này, lúc nào thì cần loại bỏ “lễ” kia cho phù hợp.

Nói cách khác là để hướng lễ hội tới sự văn minh, ngoài đòi hỏi ứng xử văn hóa của người tham gia, cũng cần các cơ quan quản lý có quy hoạch, định hướng và ứng xử phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, chứ không phải là sự chạy theo xã hội một cách bị động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi cách nhìn nhận về lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.