Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để lệch pha

Thế Nguyên| 12/01/2017 06:59

(HNM) -


Đất nước có quy mô dân số 92,7 triệu người, mô hình gia đình hạt nhân có xu hướng tăng nhanh, đây là thuận lợi rất lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Nhưng do thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.215 USD (năm 2016), với đại đa số, việc sở hữu một căn hộ, ngôi nhà, đặc biệt ở các đô thị lớn, là "cả một vấn đề". Rất nhiều người phải dành dụm, chắt bóp cả cuộc đời mới có thể xây cất một ngôi nhà, mua một căn hộ...

Nhìn vào thị trường bất động sản năm 2016 nói riêng, các năm gần đây nói chung, có thể thấy không ít bất cập. Một điểm đáng chú ý là nguồn cung nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội còn rất thấp, chưa đáp ứng "cầu". Một bộ phận lớn người dân có nhu cầu thực song không có khả năng... hiện thực hóa nhu cầu.

Vì sao như vậy? Vì trong suốt một thời gian dài, thị trường bất động sản phát triển lệch lạc. Sự lệch lạc thể hiện ở khâu quy hoạch khi nhiều dự án "vênh" với không gian bố trí dân cư. Sự lệch lạc ở chỗ thị trường tập trung mạnh vào phân khúc trung cấp, cao cấp. Hệ lụy tất yếu là hiện tại, trên khắp cả nước, không ít khu đô thị, dự án bất động sản bị bỏ hoang hoàn toàn hoặc chỉ lèo tèo người ở. Không ít khu đô thị đã hoạt động nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chưa hoàn thiện. Tồn kho bất động sản tuy có cải thiện song để thị trường bất động sản ổn định, phát triển bền vững, tất yếu phải giải quyết tốt bài toán "cung - cầu", tức là không để xảy ra tình trạng lệch pha như thời gian qua.

Trước hết, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề cốt lõi vẫn là chú trọng điều chỉnh cơ cấu bất động sản theo hướng phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát nguồn cung bất động sản trung cấp, cao cấp ở mức hợp lý.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi, kiểm soát, tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản thông qua việc tiếp tục kiểm soát một cách thận trọng hoạt động cho vay tín dụng đầu tư lĩnh vực này. Khi không còn tình trạng "thổi giá", "giá ảo"... người có nhu cầu thực sẽ tiếp cận được sản phẩm với giá trị sát thực. Thứ ba, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, các cơ quan chức năng cần xem xét, hạn chế xuống mức thấp những vướng mắc đối với doanh nghiệp có ý định đầu tư hoặc đã triển khai thực hiện các dự án loại này.

Đặc biệt, một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh còn phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các quy hoạch có quy mô vùng hoặc liên kết ngành... chứ không đáp ứng một cách dễ dãi yêu cầu của chủ đầu tư.

Không còn lệch pha cung - cầu thì người dân mới có điều kiện để "an cư" và cũng chỉ khi không còn lệch pha cung - cầu, thị trường bất động sản mới hết cảnh "lúc nóng, lúc lạnh". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để lệch pha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.