Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đằng sau con số 95,8%...

Thế Đan| 13/01/2017 06:19

(HNM) - Trước tiên, con số 95,8% là tỷ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (sổ đỏ) sau dồn điền, đổi thửa được cấp tính đến cuối năm 2016 của TP Hà Nội, tức là đến nay thành phố đã cấp được 602.963/629.452 giấy chứng nhận cần phải cấp.

Trong những cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” cũng như tại cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã có những chỉ đạo về việc phải kiên quyết tạo chuyển biến mạnh mẽ để sớm hoàn thành cấp sổ đỏ cho người dân. Bởi thời điểm đầu năm 2016, vấn đề này tại các huyện, thị xã hầu hết bị nghẽn, tiến độ cấp cho dân ở mức rất thấp và triển khai ì ạch. Ngoài lý do chưa bố trí được kinh phí thì một trong những nguyên nhân khiến việc cấp sổ đỏ “tắc” là có sự vênh nhau trong một số văn bản cũng như chỉ đạo điều hành của các sở, ngành, địa phương liên quan. Về phía người dân, việc không có sổ đỏ cũng đồng nghĩa với việc khó tiếp cận được nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, thực hiện các giao dịch dân sự đòi hỏi phải có tài sản thế chấp…

Tuy nhiên, sau chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, các sở, ngành, địa phương đã “ngồi lại” với nhau thường xuyên hơn, kịp thời gỡ khó để đẩy nhanh cấp sổ đỏ cho người dân và việc đạt tỷ lệ 95,8% là minh chứng rõ nhất cho kết quả xây dựng NTM của Thủ đô năm 2016.

Từ câu chuyện cấp sổ đỏ có thể thấy bất kỳ khó khăn nào cũng đều có thể được xử lý nếu như các cấp quản lý và cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Và đó là chìa khóa của mọi thành công, trong đó có công cuộc xây dựng NTM những năm tới.

Trở lại vấn đề xây dựng NTM ở Thủ đô, có thể thấy việc 131/386 xã (33%) chưa đạt chuẩn và đây đều là những xã thuộc diện khó khăn, đòi hỏi các nguồn lực đầu tư cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, ở những địa phương đã đạt chuẩn NTM, vấn đề cần làm quyết liệt hơn nữa là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Vấn đề này bản thân mỗi nông hộ nếu làm tốt cũng chỉ có thể thành công trên ô thửa của mình và nếu không có sự quản lý, cung cấp thông tin thị trường kịp thời thì rất có thể sẽ rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Do đó, vai trò của Nhà nước là rất lớn, cần rõ nét hơn nữa trong việc đưa ra những chính sách thu hút khả thi để cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cánh đồng đến khâu tiêu thụ. Hoặc ít ra, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, tính toán xây dựng các chợ đầu mối nông sản ở những khu vực thật sự hợp lý. Ở đó, nông sản bảo đảm an toàn sẽ được đóng gói, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và tới trực tiếp người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, chợ dân sinh có kiểm soát…

Hiện nay, khu vực nông thôn Hà Nội có gần 4 triệu người, chiếm trên 50% dân số và 2,2 triệu lao động, chiếm 55,6% lực lượng lao động của thành phố, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô. Để chương trình “Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đạt hiệu quả thiết thực, chắc chắn là một quá trình đòi hỏi cách làm bài bản, bền bỉ tương tự như việc kiên quyết cơ bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ trong năm 2016. Tinh thần ấy cần được tiếp tục phát huy thì thành quả từ NTM mới có thể mang lại lợi ích tốt đẹp, bền vững cho xã hội như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau con số 95,8%...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.