Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt là vấn đề con người

Thế Nguyên| 20/01/2017 06:56

(HNM) - Hiệu quả của hơn một năm Hà Nội thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg, ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ 15-11-2015 về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội; TP Hồ Chí Minh) đến thời điểm này có thể khẳng định là hết sức rõ nét.


Hiệu quả đó thể hiện qua những con số thống kê cụ thể: Theo Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị thí điểm đã thành lập 65 đoàn kiểm tra, thanh tra; đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, xử lý vi phạm cũng như xử phạt hàng trăm cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu của những đơn vị này là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe định kỳ với người sản xuất, kinh doanh, chế biến; không bảo đảm an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất, chế biến…

Hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực rất phức tạp này được nâng lên một bước. Ở góc độ xã hội, hiệu ứng tích cực là lâu nay trên địa bàn Hà Nội, an toàn vệ sinh thực phẩm tuy vẫn là vấn đề thời sự song không còn “nóng” như trước. Tần suất xuất hiện vi phạm, vụ việc trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng bớt “thời sự” hơn... Đây là hệ quả tất yếu từ cách làm bài bản, quyết liệt của thành phố mà một trong những ví dụ là việc “khoán trách nhiệm” người đứng đầu quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn không ít khó khăn như hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động; chợ tạm, chợ cóc nhiều; tâm lý “làng xóm, họ hàng”; cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm và kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế... Đáng chú ý là còn tâm lý chủ quan, lơ là ở một số cán bộ cơ sở... Rõ ràng, việc thực hiện Quyết định 38 trong giai đoạn tới - sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, phường/xã trên toàn địa bàn Hà Nội (và TP Hồ Chí Minh) - đặt ra không ít vấn đề cần được giải quyết. Trong đó, trước hết và quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người.

Đây có thể xem là điểm mấu chốt trong thực hiện Quyết định 38 nói riêng, trong “cuộc chiến” cam go chống lại thực phẩm bẩn, không an toàn, không thân thiện nói chung. Thực tế đang cần những cán bộ, nhân viên không chỉ có năng lực, trình độ mà còn nêu cao tinh thần thực thi nhiệm vụ một cách trách nhiệm, tâm huyết, công bằng. Thứ hai, đó là chế tài đối với mọi vi phạm cần được áp dụng một cách thống nhất, ở mức nghiêm khắc nhất. Thứ ba, để hoạt động thanh tra, kiểm tra hiệu quả, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ cần sớm được đồng bộ hóa theo hướng hiện đại, kịp thời.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang gióng lên những hồi chuông hết sức đáng báo động trong những năm qua. “Bệnh tòng khẩu nhập” - chưa bao giờ câu nói của người xưa lại mang ý nghĩa cảnh báo nóng hổi như bây giờ, như có đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường, đại ý: Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như thế. Những hiệu quả rõ nét từ việc thực hiện Quyết định 38 của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai đô thị đông dân nhất cả nước; những hiệu quả từ cách làm mang nét riêng của Hà Nội cũng như quyết tâm giải quyết những bất cập còn tồn tại cho thấy một triển vọng rất lạc quan của cuộc chiến chống lại “tử thần” rình rập trong mỗi bữa ăn của mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt là vấn đề con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.