Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả nhờ sự quyết liệt

Hoàng Văn| 23/01/2017 06:17

(HNM) - Nhiều năm qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) ở TP Hà Nội luôn là lĩnh vực “nóng” và gây ra không ít bức xúc trong dư luận. “Nóng” bởi nhiều thủ tục nhiêu khê và sự “hành là chính” của một số cán bộ trực tiếp thực thi công vụ dẫn đến công tác cấp GCN của thành phố rất chậm.

Để giải quyết bất cập này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 09-CT/TU (ngày 1-9-2016) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố. Chỉ thị khẳng định rõ rằng ở đâu công tác cấp GCN bị ỳ trệ thì người đứng đầu (đồng chí Bí thư) sẽ chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên...

Rất nhanh sau đó, việc cấp GCN đã có những bước chuyển đáng kể. Cụ thể, đến ngày 31-12-2016, toàn thành phố đã cấp GCN trong khu dân cư đạt hơn 90%; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở dự án đạt hơn 81% và cấp GCN đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa đạt 95,5%.

Từ kết quả này có thể khẳng định lĩnh vực đất đai, công tác cấp GCN ở địa phương nào được quan tâm thì sẽ đạt kết quả cao và ngược lại. Thực chất của vấn đề này là do thiếu sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong triển khai nhiệm vụ theo quy định. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức coi lĩnh vực này như miếng “pho mát để ăn dần”, sách nhiễu, làm chậm tiến độ cấp GCN của thành phố nhiều năm nay. Vì vậy, Chỉ thị 09 của Thành ủy gỡ nhiều "nút thắt" trong công tác cấp GCN ở Hà Nội...

Tuy nhiên, để chạy đua về thời gian và đạt mục tiêu đến hết tháng 6-2017, cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đòi hỏi các sở, ngành chức năng và quận, huyện, thị xã phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Đặc biệt, phải thực hiện tốt Chỉ thị 09 theo phương châm “Rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả”. Tại mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phải phân công rõ cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm toàn diện, quy định trách nhiệm của các phòng, ban liên quan và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, công chức, viên chức theo quy trình xử lý công việc.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này phải lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức ngành; ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo điều hành công việc chuyên môn, tiến tới thực hiện cấp GCN cho nhân dân qua mạng trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của Ngành Tài nguyên và Môi trường bố trí tối đa thời gian làm việc để phục vụ công tác cấp GCN; công khai nội dung văn bản pháp luật, thời gian làm việc cho tổ chức, nhân dân được biết và giám sát; quy trình thực hiện và thu nghĩa vụ tài chính phải đúng pháp luật, sát thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch...

Với các quận, huyện tỷ lệ cấp GCN còn thấp, cần có giải pháp đặc biệt để đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời phối hợp với các sở, ngành của thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhân dân trong quá trình thực hiện.

Với bài học thành công nhờ quyết tâm cao trong năm qua, công tác cấp GCN của thành phố chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả nhờ sự quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.