Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mới và cũ

Tuấn Kiệt| 08/02/2017 06:24

(HNM) - Sau gần 10 năm thai nghén, Dự án xe buýt nhanh (BRT) của Hà Nội đã được vận hành đúng vào điểm giao thời năm cũ và năm mới. Nhưng ngay khi những chiếc xe buýt nhanh bắt đầu lăn bánh thì cũng là lúc dư luận dậy sóng.

Dễ thấy, BRT được khai sinh trong bối cảnh nạn tắc đường ở Hà Nội đã vượt quá sức chịu đựng của cả người dân và các cơ quan quản lý. Tình trạng ùn tắc giao thông được Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ví như một “thảm họa" giao thông đang đến gần nếu không có thêm những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ. Ngay trên tuyến đường thí điểm của dự án BRT, với 14km nhưng dù có đi xe máy “luồn lách” thì cũng tiêu tốn hàng giờ đi lại. Sự ùn tắc để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt và vì thế việc ngăn chặn "thảm họa” giao thông đã trở thành quyết tâm của chính quyền thành phố.

Lâu nay, chúng ta cũng đã nói nhiều về một thứ được gọi là “văn hóa giao thông”, với đòi hỏi mọi người dân đều phải thấm. Song cũng thấy rằng, điều ấy sẽ mãi chỉ là “thứ xa xỉ” nếu như mỗi chúng ta đều cố thủ cách nghĩ cũ mà không thể thay vào đó tư duy mới mẻ hơn. Cuộc sống luôn có sự vận động, trong xã hội nào cũng vậy, sự kích thích phát triển sẽ làm cho những cái mới nảy sinh giữa muôn vàn cái cũ. Và thực tế cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới luôn là quá trình khó khăn, lâu dài, phức tạp.

Có thể nói, tắc nghẽn giao thông đang là một trong những bức xúc nhất của người dân và xã hội. Nếu đặt một câu hỏi riêng với hoạt động của xe buýt nhanh BRT thì giao thông thông suốt sẽ là mong ước hàng đầu của người dân mỗi khi ra đường. Sẽ thật nghịch lý khi xe buýt, loại hình vận tải có thể đáp ứng tốt mong ước ấy, lại chưa được một số người “chào đón”. Xét cho cùng đó cũng chính là một quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Những chuyến xe buýt nhanh đầu tiên đã phản ánh phần nào sự cố hữu trong ý thức của người dân. Một phần có thể là do họ chưa hiểu đúng về cách thức triển khai, cũng như ý nghĩa lâu dài của loại hình vận tải này. Lẽ dĩ nhiên, chỉ với một tuyến thí điểm sẽ khó mang lại cái nhìn đầy đủ về BRT. Mà hiệu quả đó sẽ chỉ có thể định lượng rõ khi hình thành được nhiều tuyến hơn và kết nối với nhiều loại hình phương tiện vận chuyển khác thành một mạng lưới giao thông hợp lý, tiện lợi cho người dân toàn thành phố.

Nhưng dù muốn hay không, phải khẳng định, vận tải công cộng là xu thế tất yếu của giao thông đô thị. Và xe buýt góp phần thực hiện sứ mệnh đó. Trên thế giới, các đô thị văn minh, hiện đại đều chủ yếu dựa trên nền tảng giao thông công cộng. Chính quyền không thể làm đủ đường sá cho người dân sử dụng phương tiện cá nhân. Đến lúc chúng ta phải hy sinh một số thứ đang có để tạo cơ hội cho thứ tốt hơn. Chấp nhận chuyển dần từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Phải hy sinh thói quen đi lại bằng xe máy để sử dụng các phương tiện công cộng dù sẽ phải đi bộ thêm một chút. Sẽ không có thành quả nào mà không phải đánh đổi bằng sự hy sinh, dù ít hay nhiều. Chấp nhận bỏ cái cũ bây giờ, chúng ta sẽ có một hệ thống giao thông đô thị văn minh đúng nghĩa, cho con cháu trong tương lai; sẽ giảm phải chịu đựng ô nhiễm vì bụi khói, hằng ngày không canh cánh lo phải chen lấn, đến cơ quan muộn giờ. Và cả những thiệt hại lớn hơn của xã hội.

Thay đổi thói quen cố hữu đón cái mới với hiệu quả mới - có nghĩa là chúng ta đang nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mới và cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.