Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho xe buýt cơ hội!

Nữ Quỳnh| 16/02/2017 06:57

(HNM) - Trước tiên phải khẳng định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong 15 năm qua, số lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đã tăng gấp hơn 30 lần, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc và tạo dựng văn hóa giao thông. Hình ảnh xe buýt đã dần định vị trong đời sống đô thị.


Tuy nhiên, với xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu về chất lượng dịch vụ của vận tải hành khách công cộng đòi hỏi ngày càng cao. Giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội tiếp tục đề ra một loạt mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và có bản sắc, môi trường được cải thiện; tiến tới hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25%. Đây được xem là một trong những khâu đột phá tác động trực tiếp đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô. Vì thế, nâng cao chất lượng và phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt là một mục tiêu lớn mà thành phố đặt ra.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố sẽ có sự đầu tư nâng cao chất lượng xe buýt, thay thế các phương tiện đã cũ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ, nâng cao khả năng tiếp cận của mọi đối tượng hành khách sử dụng xe buýt... Ngay đầu năm 2017, một tuyến xe buýt nhanh (BRT) hiện đại cũng đã được đưa vào vận hành, đây là tín hiệu vui cho việc hiện đại hóa, nâng cao năng lực, chất lượng xe buýt trong tương lai gần.

Có thể thấy rõ lợi ích của việc sử dụng xe buýt đối với cá nhân và xã hội là rất lớn. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, chất lượng xe buýt chưa được như mong muốn, việc sử dụng xe buýt còn khá hạn chế. Người dân vẫn có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu. Điều này xuất phát từ những “bất tiện” đang tồn tại của loại hình vận tải này, như: Cơ sở vật chất kém, luồng tuyến chưa thuận tiện; còn tình trạng trộm cắp móc túi, chen lấn, nhân viên chưa lịch sự,... tạo ra sự bất mãn và tâm lý sử dụng các phương tiện khác tốt hơn thay thế.

Hiện nay, bản thân các doanh nghiệp vận tải công cộng cũng đã ý thức rất rõ việc phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Điển hình như Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ với phương châm: “Lấy khách hàng là trung tâm”. Trong đó tập trung đổi mới phong cách phục vụ, xây dựng hình ảnh đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt “thân thiện, tận tụy và nhiệt tình”, biết giao tiếp, quan tâm và lắng nghe khách hàng, không để hành khách bức xúc, không hài lòng về chất lượng và thái độ phục vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ; không để xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn, xả khói gây ô nhiễm;...

Nhưng, lẽ dĩ nhiên chất lượng xe buýt có tăng lên được hay không còn phụ thuộc từ cả thái độ của người sử dụng, rộng hơn là cả xã hội. Tức là sự văn minh phải được xây dựng ở hai phía, từ người phục vụ đến người được phục vụ. Chỉ khi có sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của xã hội (tạo thói quen đi lại bằng xe buýt, nhường đường cho xe buýt, bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh, trật tự tại các điểm dừng...), sự ứng xử văn minh của hành khách (ăn nói lịch sự, tôn trọng người xung quanh, xếp hàng khi lên xuống xe, chủ động nhường chỗ và giúp đỡ người già, người tàn tật...) mới mong có được thay đổi, tạo ra hình ảnh thân thiện, văn minh cho xe buýt.

Như vậy, nếu mỗi người trong chúng ta cùng ủng hộ, xe buýt sẽ có cơ hội để tăng chất lượng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho xe buýt cơ hội!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.