Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một Thủ đô giàu mạnh

Đình Hiệp| 20/02/2017 07:01

(HNM) - Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng là hai vế của một vấn đề, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc tập trung giải quyết các thách thức ngắn hạn như tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu… khiến những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế cũng như đổi mới mô mình tăng trưởng chưa đem lại kết quả như mong đợi.

hiến những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế cũng như đổi mới mô mình tăng trưởng chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đặt câu hỏi về việc chúng ta chưa nhận thức đúng và thống nhất về mô hình tăng trưởng mới, với đầy đủ những yếu tố cấu thành động lực, nguồn lực và phương thức tạo ra sự tăng trưởng; thậm chí còn nhìn nhận giản đơn, đồng nhất mô hình tăng trưởng với mô hình phát triển.

Với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Thủ đô. Đây là yếu tố đột phá, mang tính quyết định để Hà Nội đạt được những mục tiêu đầy khát vọng trong giai đoạn 2016-2020; hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Dù năm 2016 TP Hà Nội đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng, song bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng; tăng trưởng tuy đạt mức cao so nhiều năm trước nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra (từ 8,5% đến 9%); công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm; chỉ số cải cách hành chính chưa cao; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn; tình trạng ùn tắc giao thông, cháy, nổ vẫn diễn ra nghiêm trọng…

2017 được dự báo là một năm khó khăn với nền kinh tế nước ta, đặc biệt với TP Hà Nội khi tỷ lệ điều tiết ngân sách trung ương giảm, trong khi nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển rất lớn. Để khắc phục những tồn tại trên, thành phố xác định tiếp tục các mục tiêu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực bằng nhiều hình thức nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Quyết tâm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020 vừa được Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong Chương trình số 16-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” và Nghị quyết 06-NQ/TƯ về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu; chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bên cạnh đó, gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…

Tất cả vì một Thủ đô phát triển giàu mạnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một Thủ đô giàu mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.