Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để người dân hưởng lợi từ rừng

Đỗ Quỳnh Chi| 22/02/2017 06:21

(HNM) - Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng (GĐGR), khoán bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Ngay tại Hà Nội, dù quy mô không phải là nhiều so với diện tích rừng toàn quốc nhưng thời gian qua công tác này được làm khá tốt, hầu như không xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép quy mô lớn; việc khai thác rừng được thực hiện theo đúng quy định. Điều đó cho thấy, bên cạnh đội ngũ giữ rừng chuyên nghiệp thì việc đẩy mạnh GĐGR cho người dân là giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo vệ rừng, GĐGR ở Hà Nội và cả nước còn không ít hạn chế, đòi hỏi giải pháp quản lý mới, với mục tiêu cao nhất là giữ được rừng và những người giữ rừng (người dân) phải “sống được” bằng công sức đóng góp của họ.

Những bất cập trong việc GĐGR thời gian qua chính là việc: Khung pháp lý về thực thi mô hình GĐGR đã được thể chế hóa, tuy nhiên những chính sách liên quan đến quyền hưởng lợi, nhất là hưởng lợi từ sản phẩm gỗ và khai thác gỗ thương mại chưa sát thực tế. Công tác cấp sổ đỏ để người dân có thể thế chấp ngân hàng, vay vốn phát triển kinh tế cũng chậm. Đặc biệt, người dân tham gia giữ rừng về cơ bản phải dựa vào các nguồn sinh kế khác mới bảo đảm cuộc sống…

Cần phải lưu ý là việc GĐGR thường gắn liền với khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, trong ngắn hạn, chính quyền các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông - lâm kết hợp, có thể kết hợp lâm nghiệp với chăn nuôi gia súc nhỏ, trồng xen kẽ các cây nông nghiệp thích hợp, tạo điều kiện cho người dân phát triển các sinh kế nông nghiệp, từ đó hỗ trợ việc bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hoạt động phi nông nghiệp như thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ gắn với rừng như du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng; đào tạo nghề nông cho đồng bào dân tộc để người dân gắn bó lâu dài với rừng. Các địa phương cũng cần quản lý chặt các cơ sở chế biến gỗ, xóa bỏ các tụ điểm mua, bán gỗ, chế biến gỗ không phép, tiếp tay cho nạn phá rừng…

Đặc biệt, để thực hiện đồng bộ các giải pháp với công tác GĐGR, các bộ, ngành cần bảo đảm ngân sách cho các chương trình, dự án liên quan đến trồng và bảo vệ rừng; hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cao độ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về GĐGR như: Vấn nạn di dân ngoài kế hoạch; sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, nông trường trên toàn quốc…

Trong buổi làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 20-6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan nội chính cùng vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hành vi phá rừng đã và đang xảy ra ở nhiều địa bàn trên cả nước. Đặc biệt, thực hiện nghiêm chính sách đãi ngộ đối với người trồng rừng; bên cạnh việc phê phán các hành vi tàn phá rừng cần làm tốt việc tôn vinh, biểu dương người có công trong bảo vệ, phát triển rừng…

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ cũng là quyết tâm của toàn dân trong việc bảo vệ “lá phổi xanh”. Và hơn lúc nào hết, muốn giữ rừng thì điều đầu tiên cần phải thấm nhuần hơn nữa là phải dựa vào dân, để người dân giữ rừng sống được từ những nguồn lợi trực tiếp và gián tiếp từ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để người dân hưởng lợi từ rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.