Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc riêng nhưng lợi ích chung

Đình Hiệp| 04/03/2017 06:57

(HNM) - Kể từ ngày 1-3-2017, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước chính thức triển khai thí điểm khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị. Theo Quyết định số 1215/QĐ-UBND ngày 20-2-2017, về việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, các chức danh thí điểm lựa chọn một trong hai phương thức: Khoán kinh phí nhưng không vượt quá mức tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng hoặc khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng nhân đơn giá 13.000 đồng/km.


Câu chuyện về khoán công việc, khoán chi phí, cụ thể như khoán tiền điện thoại, xăng xe, công tác phí, quỹ lương… từ lâu đã được triển khai ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thực tế từ cơ chế khoán đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như năng suất lao động cao hơn, giảm chi phí, chống được lãng phí... Đây là điều mà ai cũng biết, cũng thấy.

Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được Bộ Tài chính triển khai đầu tiên, kể từ ngày 1-10-2016, nhằm tiết kiệm trong sử dụng tài sản công. Nhưng nhìn rộng hơn, việc làm này sẽ góp phần thay đổi quan niệm cố hữu bấy lâu rằng, cứ dịch vụ công, cụ thể ở đây là dịch vụ đưa đón tại nhà đối với cán bộ đủ tiêu chuẩn, là phải do Nhà nước cung cấp.

Ngược lại, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hình thức tài chính, tức là thay việc cung cấp dịch vụ công bằng một khoản chi tiêu công. Điều đó sẽ tạo nên nền tảng để xây dựng hàng loạt các chính sách mở rộng huy động dịch vụ công từ những đối tượng khác trong xã hội bằng cơ chế tài chính. Nhìn xa hơn, hướng đi tiếp theo không chỉ dừng lại ở dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà mà có thể mở rộng ra áp dụng thêm với các dịch vụ công khác nữa nhằm mục đích tiết kiệm cho ngân sách, vốn hình thành từ tiền thuế của dân.

Tuy nhiên, để chủ trương thiết thực này đi vào cuộc sống đòi hỏi sự quyết tâm cao của các đơn vị liên quan, đặc biệt là những chủ thể nhận “khoán”. Bởi thực tế vẫn còn tâm lý của không ít người khi cho rằng “cái tiếng, cái miếng giữa làng” khi đi xe biển xanh. Và rồi so sánh giữa lợi chung và lợi cá nhân, cái thuận lợi công việc cả công lẫn tư nên nhiều người còn đắn đo không nhận “khoán”, nếu không bị bắt buộc, quy định của pháp luật.

Theo tính toán, nếu việc khoán xe công chức danh được thực hiện tại tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thì TP Hà Nội sẽ tiết kiệm được trên 50 tỷ đồng/năm. Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, hiện thực hóa quyết tâm cải cách hành chính và chủ đề của “Năm kỷ cương hành chính 2017”; đồng thời là tiền đề xem xét trước khi nhân rộng ra cả nước.

Để việc khoán xe công đi vào cuộc sống đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa; đưa việc khoán kinh phí sử dụng vào các đối tượng cụ thể, bắt buộc. Xung quanh việc khoán cũng cần xem xét kỹ từng đối tượng, đặc thù công việc. Việc khoán cũng nên tính toán cho hợp lý, cụ thể như việc chỉ khoán phần xe đưa đón từ nhà đến cơ quan của cán bộ được tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, cần xem xét đến giá cả cho hợp lý, theo từng thời điểm, địa phương để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng. Việc khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung phải đảm bảo đúng đối tượng, không phát sinh tăng chi phí hành chính hằng năm, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Khi các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe, toàn bộ ô tô phục vụ công tác chung do các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng sẽ thu hồi để sắp xếp, xử lý theo quy định, đảm bảo việc sử dụng xe tiết kiệm, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc riêng nhưng lợi ích chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.