Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách không có điểm dừng!

Đỗ Quỳnh Chi| 10/03/2017 06:54

(HNM) - Đến nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) năm 2015 đi vào triển khai được hơn một năm và những ưu việt của văn bản này đã phát huy hiệu quả trong đời sống.


Trước hết, trên cơ sở Luật Tổ chức CQĐP, vấn đề phân cấp cho chính quyền cơ sở đã rõ hơn. Cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền. Điểm đáng lưu ý khác là luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn. Điểm mới này giúp cho công tác quản lý trật tự trị an, xây dựng... ở đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dần theo kịp trình độ phát triển.

Ngoài ra, Luật Tổ chức CQĐP đã khẳng định và nâng cao vị thế, quyền lực của Hội đồng nhân dân (HĐND). Đây là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng bộ máy và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP, do chưa ban hành Quy chế hoạt động của HĐND dẫn tới việc thực hiện luật ở các địa phương còn có những điểm lúng túng và thiếu thống nhất. Trong quy định của Luật Tổ chức CQĐP, có một số nội dung cần được hướng dẫn làm rõ thêm: Xây dựng quy chế phiên họp của Thường trực HĐND các cấp, từng địa phương tự xây dựng hay nên có quy chế mẫu từ trung ương để vận dụng cho thống nhất; mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới như Thường trực HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, Thường trực HĐND cấp huyện với cấp xã. Theo luật thì HĐND cấp trên không phải cơ quan lãnh đạo HĐND cấp dưới; song trong thực tế hoạt động rất nhiều nội dung liên quan HĐND cấp dưới cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Cùng với đó, việc có cơ chế linh hoạt trong vấn đề chia, tách địa giới hành chính đối với cấp quận, huyện, phường, xã có sự biến động lớn về cư dân trong một thời gian ngắn cũng cần có sự linh hoạt hơn. Lấy ví dụ, quận Hai Bà Trưng có mật độ dân số trung bình hơn 34.000 người/km2, đứng trong tốp đầu của Hà Nội, cao hơn cả quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Hoặc một số phường có dân số rất lớn, ví dụ như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chỉ trong vài năm tăng dân số từ khoảng 1 vạn lên 4 vạn người…, dẫn đến việc bộ máy chính quyền và hạ tầng cơ sở (trường học, chợ, điện, nước sạch…) quá tải, tất yếu cũng cần phải thay đổi theo mới mong quản lý kịp.

Rõ ràng, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta hiện nay, vấn đề tiếp tục cải cách, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và hệ thống CQĐP nói riêng là yêu cầu khách quan và tất yếu. Hoạt động của hệ thống cơ quan này có hiệu quả mới có thể nắm bắt và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng kịp thời những mong muốn hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ. Những cải cách đó là không có điểm dừng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách không có điểm dừng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.