Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chìa khóa cho tương lai

Bình Nguyên| 13/03/2017 05:12

(HNM) - Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Thụy Điển do bà Elisabeth Nilsson, Trưởng vùng Ostergotland dẫn đầu vào ngày 24-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, áp dụng công nghệ Châu Âu để cải thiện môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội.

Với những người quan tâm vấn đề môi trường nói riêng, người dân Thủ đô nói chung, đây là thông tin rất đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh Hà Nội chịu nhiều "sức ép" liên quan tới vấn đề rác thải, ô nhiễm (khói, bụi, tiếng ồn...)... mà ở không ít khu vực, chất lượng sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế, giải pháp xử lý rác chuyển biến thành năng lượng không mới mà đã được phát triển tại nhiều nước, đặc biệt là nước phát triển. Những giải pháp ở cấp độ đơn giản, như xây hầm biogas chẳng hạn, tại nhiều vùng nông thôn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là một ví dụ. Ở cấp độ đòi hỏi công nghệ hiện đại, mức đầu tư lớn, Hà Nội đã có dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện, áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, để biến chất thải công nghiệp thành điện năng. Hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành, đang hiệu chỉnh hệ thống trước khi vận hành. Nhìn rộng ra, hiệu quả của việc áp dụng công nghệ tái chế, công nghệ hiện đại xử lý rác thải đối với cải thiện môi trường là rất lớn. Đây cũng là hướng đi tất yếu nhằm hạn chế tác động tiêu cực, bảo vệ, gìn giữ môi trường sống cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau.

Rác thải, bao gồm rác hữu cơ - dễ phân hủy và có thể tái chế, sử dụng cho hoạt động chăm bón, làm thức ăn cho động vật... và rác vô cơ - loại không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế mà chỉ có thể xử lý bằng giải pháp chôn lấp và loại khó phân hủy nhưng có thể tái chế... Rác thải sẽ trở thành một nguồn tài nguyên lớn nếu quy trình thu gom - vận chuyển - xử lý được thực hiện một cách khoa học. Như vậy, cùng với chủ trương "đặt hàng", áp dụng công nghệ hiện đại của thành phố, điều quan trọng cần làm hiện nay là thay đổi tư duy một cách triệt để từ việc xả rác thải (với người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp), phân loại, thu gom, vận chuyển (với các doanh nghiệp, xí nghiệp môi trường)... Đặc biệt, để quá trình này được thực hiện suôn sẻ, tránh mang tính phong trào như đã từng xảy ra, nhận thức và ý thức của cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi không phải ai cũng hiểu biết về rác vô cơ, rác hữu cơ có khả năng tái chế... và với người có hiểu biết, không phải ai cũng có ý thức phân loại. Thực hiện được như vậy đồng nghĩa với việc phương pháp chôn lấp thủ công phổ biến lâu nay phải giảm dần. Bên cạnh đó, những bài học về xử lý rác thân thiện với môi trường, "rẻ tiền" ở ngay các nước cùng khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia...; những mô hình đơn giản nhưng hiệu quả đã được ứng dụng trong nước cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Áp dụng công nghệ hiện đại mà một trong những hướng đi cụ thể là xây dựng nhà máy xử lý rác chuyển biến thành năng lượng là tất yếu nhằm bảo vệ môi trường, càng phù hợp với những thành phố có tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế nhanh chóng như Hà Nội (kéo theo gia tăng quy mô dân số, khối lượng xả thải ra môi trường), vì mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh - sạch - văn minh - hiện đại. Nói cách khác, đây chính là chìa khóa mở ra cánh cửa bước vào tương lai với quá trình phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa khóa cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.