Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là thước đo...

Đình Hiệp| 15/03/2017 06:17

(HNM) - “Người dân là người bầu ra hệ thống chính quyền các cấp, là người có quyền được hưởng những dịch vụ mà hệ thống chính quyền cung cấp theo Hiến pháp, luật pháp cam kết, cũng là người thực hiện giám sát cơ quan nhà nước…”.

Khẳng định trên được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) diễn ra hôm qua (14-3). Điều đó cho thấy, Chính phủ luôn coi sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng trong cải cách hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Chỉ số SIPAS là công cụ để đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, các cơ quan này nắm bắt được mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Trên tinh thần đó, với sự phối hợp và giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Bộ Nội vụ lần đầu tiên đo Chỉ số SIPAS năm 2015 phạm vi cả nước và đã công bố ngày 26-4-2016. Theo đó, có 6 thủ tục hành chính (TTHC) được chọn để đo gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Đây là những TTHC liên quan mật thiết với người dân.

Chỉ số SIPAS 2015 cho thấy, phần lớn người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của công chức đối với 6 TTHC trên từ 74,3% đến 87,2%. Tuy nhiên, Chỉ số SIPAS 2015 cũng cho thấy, cả 6 TTHC đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí phải nộp theo quy định, chiếm từ 4,9% đến 28,4% số người được hỏi.

Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống cơ quan hành chính thành phố. Mới nhất, ngày 18-1-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 359/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án "Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội”. Theo đó, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Hà Nội sẽ được tổ chức ít nhất 1 lần/năm để có sự điều chỉnh kịp thời.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, được ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ, đặt ra mục tiêu là “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015… và trên 80% vào năm 2020”. Đến tháng 12-2016, có 4 bộ và 32 tỉnh, thành phố triển khai và công bố kết quả Chỉ số SIPAS. Song, nếu các đơn vị còn lại không quyết liệt từ bây giờ thì đến năm 2020 không thể hoàn thành mục tiêu trên.

Chỉ số SIPAS không chỉ là thước đo mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy cải cách TTHC ở các đơn vị. Thông qua chỉ số này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; đồng thời tác động làm thay đổi tư duy, phương pháp giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức để phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là thước đo...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.