Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố niềm tin của nhân dân

Thế Đan| 23/03/2017 06:55

(HNM) - Ba năm qua, 40 vụ án và 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo về cơ bản đã được xử lý. Nhiều vụ việc khác cũng đang trong quá trình thanh tra, điều tra cho thấy tinh thần chống tham nhũng “không có vùng cấm”, thực sự trở thành quyết tâm chính trị của Đảng...


Có thể nói, hiện tượng tham nhũng đang diễn ra hết sức tinh vi, dưới nhiều “vỏ bọc”, nhưng vấn đề nhận được sự quan tâm nhất là ngăn ngừa được việc tham nhũng chính sách. Biểu hiện cụ thể trong vấn đề này là phải kiểm soát quyền lực trong quy trình ban hành văn bản pháp quy và văn bản điều hành của các cơ quan có thẩm quyền để kiểm soát lợi ích nhóm.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có nhiều tiến bộ, trong đó có hoạt động xây dựng, thẩm định và thực thi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm, đề cao lợi ích quốc gia, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của công dân. Tính minh bạch hóa, tinh thần dân chủ, xây dựng nền hành chính phục vụ… đã ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác tham mưu, xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật còn không ít hạn chế, đặc biệt là việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” xảy ra ở không ít cơ quan, đơn vị.

Đâu đó vẫn có bóng dáng của lợi ích nhóm trong khi ban hành các văn bản pháp quy, ví dụ như các văn bản chỉ định thầu, quyết định chủ trương đầu tư dự án, miễn giảm thuế, điều chỉnh quy hoạch, quyết định phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quyết định cấp vốn đầu tư công… Đặc biệt, ở địa phương, tình trạng nhóm lợi ích còn diễn biến phức tạp vì đây là nơi trực tiếp đưa ra các quyết định và thực thi các quyết định đó. Rõ nhất trong vấn đề này là việc ban hành các quyết định về cấp phép dự án, quy hoạch xây dựng, cấp "sổ đỏ"… Trong khi đó, việc trục lợi từ chính sách, nói cách khác là để “lợi ích nhóm” chi phối thì đó là biểu hiện rõ nhất của việc tham nhũng.

Tuy nhiên, khi bàn về các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì điều tiên quyết là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho và các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng. Cùng với đó là xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng chống cho tốt, với phương châm cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Do đó, việc xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nằm trong “giỏ” pháp luật; cần cụ thể hóa giám sát hơn nữa đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng và lãng phí là rất quan trọng.

Từ những vụ việc tại Vinashin, những vụ việc liên quan tới Nguyễn Đức Kiên, Hồ Thị Huyền Như, Trịnh Xuân Thanh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt… bị đưa ra xét xử thời gian qua đã cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, từ đó cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng trong các quy định về quản lý kinh tế, bổ nhiệm cán bộ… Vì vậy trước mắt, giải pháp đột phá cần làm kiên trì, kiên quyết và bài bản là phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có vùng cấm, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn.

Những “hồi trống lệnh” chống tham nhũng mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ gióng lên đã đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước. Với quyết tâm cao của Đảng, sự hỗ trợ, giám sát tích cực của nhân dân, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển động đột phá, giúp cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có chuyển biến mạnh về chất và thành công hơn nữa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố niềm tin của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.