Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi trước nỗi lo...

Hà An| 01/04/2017 06:31

(HNM) - Có đủ nước và nguồn nước bảo đảm sạch được xem là một trong những nhu cầu thiết yếu đối với người dân. Tuy nhiên, câu chuyện này ở TP Hà Nội, dù là ngoại thành hay nội thành, đều giống nhau ở một điểm: Đến hè lại lo!

Cho dù là vì nguyên nhân gì thì nỗi lo này cũng đã hiện hữu với những con số cụ thể. Tại Hà Nội, dự kiến năm nay nhu cầu sử dụng nước của TP tăng so với năm 2016 và sẽ còn tiếp tục tăng vào năm 2018. Tính ra, lượng nước còn thiếu vào khoảng 300 nghìn đến 350 nghìn mét khối/ngày đêm (chưa tính đến khu vực mở rộng mạng lưới cấp nước). Nhiều nơi, người dân còn phải lo ứng phó với tình huống sẽ mất nước cục bộ.

Cần nhìn nhận nước sạch là vấn đề lớn không chỉ của một hai tòa chung cư, một đô thị, hay một vùng ngoại thành nào, cũng không phải chỉ là câu chuyện một mùa hè mà là câu chuyện lâu dài, đáng kể của cả quốc gia và nhiều nước trên thế giới. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã, đang thực sự làm ảnh hưởng tới không chỉ lượng mà cả chất của nguồn nước ngầm, nguồn nước bề mặt, đẩy nhu cầu sử dụng nước sạch lên ngày càng cao.

Hà Nội vốn đất chật, người đông và chắc chắn luôn đứng trước nguy cơ thiếu nước do các nguyên nhân trên và cả do áp lực từ dân số tăng nhanh.

Không có cách nào khác, giải quyết nỗi lo này phải bằng những tính toán chủ động, vừa kịp thời, trước mắt vừa nhìn xa. Yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội với các công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố về xây dựng phương án cụ thể cho việc cấp nước trong mùa hè 2017 là rất quan trọng. Trong đó, thấy rõ các phương án có tính đến hỗ trợ cho nhau giải quyết từng “nỗi lo” cụ thể. Từ việc bổ sung nguồn nước cho một số quận có nguy cơ thiếu nước cao đến phương án cấp nước luân phiên, cấp nước bằng xe téc kịp thời ở những vùng thiếu nước cục bộ… Đáng nói là việc bố trí người trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin từ người dân về tình trạng mất nước để kịp thời xử lý có thể xem là một động thái chủ động đáng kể nữa.

Về lâu dài, trong giai đoạn 2017 - 2018, ngành Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất nâng công suất, đầu tư xây dựng trạm cấp nước một số nơi. Rồi dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống vừa khởi công hứa hẹn mang đến nguồn nước sạch cho 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện của Hà Nội...

Tuy nhiên, như đã nói, nước sạch là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài. Đây là câu chuyện đòi hỏi cả tầm nhìn và những bước đi bền vững như ngăn chặn ô nhiễm môi trường để bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó không thể bỏ qua việc tận dụng sức mạnh khoa học, công nghệ vào khai thác, xử lý tạo nguồn nước sạch tối đa. Yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng nhưng chưa được chú ý đúng mức là phương thức quản lý mới nhằm bảo đảm nguồn nước sạch được sử dụng đúng, tránh lãng phí. Ví như nguồn nước cấp đến chung cư thì sạch, nhưng từ hệ thống bể ngầm của chung cư tới các hộ thì lại... bẩn. Việc bảo đảm chất lượng hệ thống bể trữ, đường ống dẫn nước ở khu chung cư thiết nghĩ cả công ty nước sạch lẫn chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà, người dân đều có thể tham gia với trách nhiệm cụ thể của mình. Tương tự như vậy cũng cần chuyển giao cả cách sử dụng, bảo vệ nguồn nước sạch đối với đặc thù khu vực ngoại thành.

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch còn là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân.

Chắc chắn vấn đề nước sạch sẽ không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, ý thức, khả năng chuẩn bị của chúng ta đi trước được bao nhiêu thì nỗi lo thiếu nước và bức xúc vì thiếu nước của người dân sẽ giảm bấy nhiêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi trước nỗi lo...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.