Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số lòng dân

Nữ Quỳnh| 05/04/2017 06:07

(HNM) - Trước tiên, cần khẳng định Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là một nghiên cứu khoa học được hình thành trên các tiêu chí, phản hồi đánh giá của người dân, ghi lại cảm nhận của người dân về hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính các cấp.



Sự đánh giá này dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi giao tiếp, làm việc với chính quyền và sử dụng dịch vụ công. Những căn cứ đánh giá như: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; sự công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công…

PAPI có thể coi là thang điểm để đo lường kỳ vọng của người dân với chính quyền. Đồng thời cũng là công cụ giúp các cơ quan dân cử tham khảo, đánh giá khách quan hoạt động của bộ máy hành chính. Đối với người dân, một vấn đề được đặc biệt quan tâm về bộ máy chính quyền hiện nay chính là cơ chế “công khai, minh bạch” và “kiểm soát tham nhũng”.

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020 các cơ quan hành chính phải nâng chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Và việc công khai minh bạch sẽ giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tham nhũng. Khi sự minh bạch được duy trì thì sẽ có sự công bằng trong giải quyết thủ tục hành chính…

Rõ ràng, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp mới là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp. Song thực tế chưa vui khi thời gian vừa qua “tham nhũng vặt” vẫn còn được nhắc đến như một vấn đề nhức nhối, điển hình như tình trạng người dân phải "lót tay" cho cán bộ y tế để được chăm sóc tốt hơn, "chung chi" trong xử phạt vi phạm giao thông hay trong việc "bôi trơn" để giải quyết một số thủ tục hành chính khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu ý kiến: “Sức mạnh của chúng ta là kỷ cương phép nước ở cơ quan hành chính và trong nhân dân”. Không gì khác, những chỉ số lòng dân này sẽ được tăng lên nếu chính quyền ý thức đúng về sự công khai, minh bạch, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Chừng nào trách nhiệm, sự minh bạch còn mang tính hình thức thì người dân sẽ chưa thể có niềm tin về hiệu quả của chính quyền. Nói cách khác, với bất kỳ chính sách nào, quan trọng vẫn là quá trình thực hiện. Nếu cán bộ, công chức, viên chức chưa thực thi tốt nhất những chủ trương, chính sách do Đảng và Nhà nước thì chủ trương, chính sách ấy sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức nơi này, nơi khác…”.

Kinh nghiệm cho thấy, khi chính quyền hiểu được nguyện vọng của dân thì chắc chắn sẽ có sự đồng cảm, đồng hành với người dân, doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với thái độ phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là điểm mấu chốt quan trọng trong cải cách hành chính. Nói cách khác, chính quyền phải luôn xác định lấy người dân là đối tượng mục tiêu cho nền hành chính công phục vụ.

Xác định được “chỉ số lòng dân” sẽ giúp xây dựng được Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.