Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không “bắt cóc bỏ đĩa”...

Thế Nguyên| 06/04/2017 06:52

(HNM) - Năm 2016, có 13 bến “cóc” hình thành ở các khu vực đất trống, đất chờ dự án xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm bị giải tỏa.


Trong các đợt cao điểm ra quân xử lý quý I-2017, có 17 bến “cóc” gây bức xúc dư luận đã bị giải tỏa triệt để. Cũng thời gian này, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hàng nghìn trường hợp phương tiện vi phạm trong dừng, đỗ đón - trả khách sai quy định - một động thái nhằm ngăn chặn việc hình thành những bến "cóc" mới...

Những con số, dữ liệu nêu trên một mặt cho thấy hiệu quả của việc tập trung xử lý xe “dù”, bến “cóc”, nhưng mặt khác cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề này. Có yếu tố phức tạp phát sinh từ hiện tượng mới: Hoạt động của loại hình xe hợp đồng. Chẳng hạn, có đơn vị ở loại hình vận tải này sử dụng chính văn phòng đại diện làm điểm tập kết khách - một dạng bến “cóc”. Có yếu tố phức tạp gần như đã trở thành quy luật: Chỉ cần lực lượng chức năng “lỏng tay”, xe “dù”, bến “cóc” lập tức bùng phát trở lại...

Xe “dù”, bến “cóc” không chỉ gây ra nhiều hệ lụy không thể xem thường đối với trật tự an toàn giao thông mà cả với trật tự đô thị. Với Thủ đô Hà Nội, một thành phố đang trong quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu xanh - sạch, văn minh, hiện đại, sự tồn tại của xe “dù”, bến “cóc” là không thể chấp nhận. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào ngăn chặn, loại bỏ xe “dù”, bến “cóc” một cách hiệu quả, bền vững, để không xảy ra điệp khúc “bắt cóc bỏ đĩa”?

Trước mắt, lực lượng chức năng, “chủ công” là liên ngành Công an, Giao thông - Vận tải thành phố, cần tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả hơn nữa Kế hoạch số 243/KH-UBND, ngày 30-12-2016, của UBND TP Hà Nội về thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017.

Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý xe “dù”, bến “cóc”, xe buýt trá hình, xe núp bóng hợp đồng để vận chuyển hành khách tuyến cố định; xe chạy “rùa bò”, vòng vo đón trả khách; xe dừng đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... Đồng thời, việc thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ 197 về Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố đã đạt kết quả bước đầu tích cực, cần duy trì một cách bền bỉ.

Thứ hai, về lâu dài, góp phần giải quyết vấn đề xe “dù”, bến “cóc” cần nhóm giải pháp có tính kiểm soát như: Tăng cường hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, các tuyến giao thông chính. Qua đó, lực lượng chức năng có cơ sở tiến hành phạt nguội. Cùng với đó, việc tổ chức lực lượng chốt trực thường xuyên, kiểm tra, xử lý cũng như vai trò của chính quyền địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều quan trọng nữa là việc xử lý vi phạm, vi phạm lặp lại nhiều lần phải được thực hiện ở mức nghiêm khắc nhất.

Dù vậy, để xe “dù”, bến “cóc” không còn “đất sống”, không thể không nói tới vai trò của cộng đồng. Mỗi người dân hãy “nói không” với xe “dù”, bến “cóc”, vì quyền lợi của mình, của cộng đồng cũng như vì sự văn minh của Thủ đô! Để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, vận động thì trên cơ sở quy hoạch đã có, phải có giải pháp xây dựng, nâng cấp, cải tạo các bến xe chính thức trở nên sạch - đẹp - thân thiện và dễ tiếp cận. Mặt khác, mỗi người dân hãy trở thành “cộng tác viên” của lực lượng chức năng bằng cách cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm...

Ngăn chặn, xử lý xe “dù”, bến “cóc” bằng các nhóm giải pháp đồng bộ như vậy, hẳn sẽ không còn tình trạng... “bắt cóc bỏ đĩa”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không “bắt cóc bỏ đĩa”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.