Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gốc vẫn là ứng xử...

Hà An| 11/04/2017 06:10

(HNM) - Chưa cần đến số liệu, chỉ bằng quan sát và qua thực tế cuộc sống hằng ngày, chúng ta đều nhận thấy rõ khói thuốc lá vẫn tràn ngập khắp nơi, nhất là nơi công cộng bất chấp lý do sức khỏe, bất chấp cả những quy định của luật pháp.

Tác hại của thuốc lá đối với người trực tiếp sử dụng và đặc biệt là đối với cộng đồng - cụ thể là những người hút thuốc thụ động là điều không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, vì sao câu chuyện rõ mười mươi này vẫn chưa được giải quyết một cách rành mạch, hiệu quả? Gốc của vấn đề này nằm ở đâu?

Hút thuốc lá là hành vi “kép” vừa mang yếu tố cá nhân vừa mang tính xã hội. Nó cũng vừa liên quan đến việc ứng xử của mỗi người đối với các quy định của luật pháp lại vừa là ý thức, văn hóa ứng xử của cá nhân trong quan hệ với cộng đồng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 ngay Điều 1 thể hiện rõ tính chất cũng như phạm vi điều chỉnh của luật pháp đối với hành vi này: “Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Từ đây có thể thấy rõ, để trả lại bầu không khí trong lành ở môi trường công cộng, nhất là ở những nơi như bệnh viện, cơ quan, nhà hàng… cần phải áp dụng hệ thống giải pháp rành mạch, có tính cộng hưởng, tác động đến gốc của vấn đề là nhận thức, ứng xử của cả người hút thuốc và cộng đồng.

Trước hết, những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hút thuốc lá cần phải được xử lý nghiêm. Nghị định 176/2013/NĐ-CP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ các hành vi cũng như mức phạt từ việc hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm đến việc không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá… Nếu chỉ nói lực lượng mỏng không xử lý xuể thì cũng chưa hẳn đúng. Nhiều quốc gia trên thế giới làm tốt việc này không phải vì lực lượng của họ đông mà quan trọng là họ phạt thật, làm nghiêm. Nói cách khác là "nói đi đôi với làm".

Bên cạnh đó, xét hành vi hút thuốc còn là vấn đề ý thức, văn hóa ứng xử nên cùng với xử phạt để nhớ lâu thì cũng cần làm tốt giải pháp tuyên truyền. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2013 ghi rõ công dân có quyền “yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm”. Nhưng rất nhiều nhà hàng hiện nay không có biển cấm hút thuốc lá; người hút thuốc không được cảnh báo đã đành mà công dân muốn thực hiện quyền của mình xem ra cũng khó… Như vậy, tuyên truyền không dừng lại ở lời nói chung chung mà phải có hướng dẫn, cơ chế hỗ trợ như hệ thống biển, biểu tượng cấm hút thuốc, thường xuyên nhắc nhở, giám sát, có khu vực dành riêng cho người hút thuốc…

Tại Hà Nội, việc UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2017-2018 đã thể hiện rất rõ tinh thần ấy, cụ thể như xây dựng, nhân rộng mô hình “Môi trường không khói thuốc”, “Nhà hàng không khói thuốc”, “Điểm du lịch không khói thuốc”, đồng thời tăng cường giám sát các quy định cấm hút thuốc. Nhìn rộng ra, việc triển khai tốt kế hoạch trên cũng liên quan chặt chẽ đến thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng”.

Như vậy, có thể thấy dù là áp dụng biện pháp nào… thì cũng đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là chuyển đổi được một cách bền vững nhận thức của cả người hút thuốc và cộng đồng. Từ nhận thức rõ ràng ấy, mỗi người sẽ chủ động có ứng xử phù hợp, tích cực phòng chống tác hại thuốc lá vì lợi ích bản thân, gia đình và cả xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gốc vẫn là ứng xử...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.