Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy nguồn lực

Mai Lâm| 12/04/2017 06:54

(HNM) - Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 là nguồn lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ và hơn 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện, phát huy có hiệu quả nguồn lực nhiều ý nghĩa này, khẳng định vị trí “đầu tàu” cả nước.


An ninh, chính trị được bảo đảm. Kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Đời sống văn hóa, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người dân liên tục được nâng cao…

Có thể kể ra một số kết quả ấn tượng thành phố đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,57%, cao hơn khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân cả nước. Đến hết năm 2016, toàn thành phố đã có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cán đích sớm hơn 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TƯ đề ra…

Đạt được những thành tựu đó là nhờ nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhằm phát huy tối đa nguồn lực to lớn về chính sách của Trung ương dành cho. Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/TU; UBND thành phố ban hành Chương trình hành động số 139/CTr-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ. Các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể thành phố cũng ban hành nhiều chương trình công tác, đề án… triển khai thực hiện, rồi chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt nhằm hiện thực hóa phương hướng, nhiệm vụ phát triển Trung ương đã đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc khiến việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ chưa đạt hiệu quả tối đa. Đó là, trong giai đoạn 2011-2015, có 5/20 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị còn những bất cập gây bức xúc dân sinh… Thành phố đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như: Năng lực quản lý, lãnh đạo, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc ở một số lĩnh vực chưa quyết liệt, sáng tạo, thậm chí là trì trệ; việc hợp tác, liên kết phát triển chưa thực sự được chú trọng; chưa xây dựng được hệ cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư… Trên cơ sở đó, thành phố đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô đến năm 2020. Cùng với đó, là những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực nhằm phát huy tối đa nguồn lực phát triển Thủ đô...

Hạn chế do nguyên nhân chủ quan thì có thể chủ động khắc phục. Với những nguyên nhân khách quan, tất phải có sự hỗ trợ, giúp sức của các bộ, ngành trung ương; các tỉnh, thành phố trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Tốc độ đô thị hóa ở thành phố diễn ra nhanh, trong đó lượng di dân vào Hà Nội rất lớn gây ra những vấn đề xã hội bức xúc không dễ giải quyết, nhất là khi nguồn lực đầu tư phát triển chưa theo kịp; nhiều cơ chế, chính sách áp dụng với Hà Nội chưa phù hợp… cũng tạo nên “sức cản” trong việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, tác động tiêu cực tới sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội đã có, trong đó đáng kể nhất là Luật Thủ đô, nhưng vẫn chưa đủ. Ngay cả với việc thực hiện Luật Thủ đô cũng còn những vướng mắc, trong đó có việc thiếu quy chế, quy định, hướng dẫn để thực thi các quy định trong luật. Tiến độ di dời các cơ quan, cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường đại học… ở nội đô và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cũng còn nhiều bất cập… Rõ ràng, với những công việc trên, chỉ riêng sự nỗ lực của thành phố là không đủ.

Để phát huy tối đa nguồn lực phát triển Thủ đô, rất cần sự nỗ lực của Hà Nội, song không thể thiếu sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.