Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên sức mạnh

Đỗ Quỳnh Chi| 15/04/2017 06:56

(HNM) - Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình bình ổn giá là bảo đảm giá các mặt hàng thiết yếu luôn ở mức ổn định, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Những năm qua, chương trình bình ổn giá tại TP Hà Nội đã góp phần thực hiện rất tốt mục tiêu trên. Đặc biệt, chương trình bình ổn giá còn nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước có cơ hội phát triển thương hiệu.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả thực hiện bình ổn giá tại Hà Nội nói riêng và trên địa bàn các địa phương khác nói chung còn không ít bất cập. Số lượng điểm bán hàng bình ổn giá chưa nhiều, các điểm bán hàng bình ổn đặt sâu trong khu dân cư hầu như không có. Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn chưa phong phú về mẫu mã, chủng loại, chỉ tập trung vào các nhóm hàng: Gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, dầu ăn, đường, rau xanh, giấy vở học sinh... nên chưa đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người tiêu dùng.

Để chương trình bình ổn giá thực sự phát huy hiệu quả và nâng tầm trong thời gian tới, có thể lưu ý một số vấn đề sau. Một là, có thể xem đây là kênh quan trọng để Nhà nước “nắm cương” thị trường hàng hóa vào những thời điểm “nhạy cảm”, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ chủ động phối hợp với các DN để có kế hoạch “dài hơi”, bình ổn thị trường trước và sau Tết, nhằm kiềm chế lạm phát, giữ ổn định giá cả hàng hóa vào những tháng đầu năm. Hai là, chú ý hơn nữa tới nhóm đối tượng thực sự cần thụ hưởng chương trình bình ổn giá.

Đó là người dân vùng nông thôn, miền núi, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, người nghèo... Ba là, quản lý chặt chẽ hơn nữa hàng hóa bình ổn giá và thị trường. Hàng hóa tham gia chương trình này được nhiều ưu đãi về vốn, quảng bá... Những lợi thế đó là vốn của Nhà nước đầu tư để cùng DN bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế việc quản lý nguồn vốn này để phát huy hiệu quả, đúng tính chất là nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan; tránh tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DN tham gia và không tham gia chương trình, bảo đảm giá hàng hóa bán ra thực sự là bình ổn, thấp hơn so với giá thị trường. Song song với đó, để hàng bình ổn giá phát huy hết giá trị, cần quản lý chặt chẽ thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, găm giữ hàng hóa với mục đích trục lợi…

Ngoài ra, có thể xem xét, nghiên cứu đưa những loại tân dược phổ biến vào chương trình bình ổn như cách làm của TP Hồ Chí Minh trong một vài năm qua. Bởi trên thị trường, việc nhà thuốc “nói sao, phải mua vậy” là phổ biến với người bệnh. Vấn đề này chỉ các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát giá mới biết. Và do đó, nếu đưa một số loại tân dược vào bình ổn giá sẽ tạo điều kiện để người dân có điều kiện đối chiếu, giám sát, từ đó ý nghĩa nhân văn của chương trình bình ổn giá cũng sẽ nâng cao hơn.

Cuối cùng, về phía các DN, để đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình bình ổn giá đề ra rất cần đổi mới máy móc thiết bị theo hướng hiện đại hóa sản xuất; khép kín quy trình đầu tư trong chăn nuôi, tiến tới tự chủ về nguồn hàng; tăng cường dự trữ nguyên vật liệu, tiết giảm các chi phí nhằm ổn định giá cả, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và phát triển mạnh hệ thống phân phối.

Việc giải quyết những bất cập nêu trên sẽ góp phần nhân lên sức mạnh ý nghĩa của chương trình vốn mang ý nghĩa nhân văn, bảo đảm an sinh xã hội sâu sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên sức mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.