Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách phù hợp, giải pháp khả thi

Dục Tú| 16/04/2017 06:28

(HNM) - Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng tất yếu dẫn đến yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một phần diện tích đất nông nghiệp.


Thực tế, Chính phủ và các địa phương, trong đó có Hà Nội, luôn quan tâm vấn đề nói trên. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhóm đối tượng này như Nghị định 47/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014, của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, ngày 10-12-2015, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Thông tư liên tịch số 09/2016/TT-BLĐTBXH-BTC, ngày 15-6-2016, của các bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2016 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm… Tuy vậy, nhìn lại quá trình thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến việc hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất sản xuất, có thể thấy hiệu quả hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là về đào tạo và chuyển đổi nghề. Kết quả triển khai tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang… và cả Hà Nội cho thấy điều đó. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động còn hạn chế thì có nhiều nhưng chủ yếu là công tác tư vấn còn hạn chế; nhiều lao động không có khả năng học hoặc có khả năng nhưng cấn cá với suy nghĩ học xong liệu có tìm được việc hay không; rồi nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm và đào tạo còn thiếu hấp dẫn…

Vấn đề giải quyết bài toán đào tạo, việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp thực sự vẫn... nguyên tính thời sự, cả với các thành phố lớn như Hà Nội, và các tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Với cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, việc đề ra chính sách phù hợp, có giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ lao động thuộc diện bị thu hồi đất tìm được việc làm phù hợp có ý nghĩa quan trọng. Việc mới đây, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có tờ trình, tham mưu cho thành phố việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất trên địa bàn, trong đó có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản hiện hành là hết sức cần thiết. Nhìn rộng ra, bài học chung được đặt ra là: Muốn thực hiện hiệu quả phần việc này, đầu tiên, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ tầm quan trọng của việc học nghề, chủ động xác định sinh kế phù hợp với khả năng và điều kiện cá nhân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì thế, việc tuyên truyền phải được thực hiện đồng thời với công khai quy hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng quan trọng và phương án bàn giao đất - đền bù cũng như thời gian triển khai thực hiện những phần việc đó để người lao động bị thu hồi đất chủ động về tâm lý cũng như kế hoạch chuyển đổi ngành nghề. Ngoài ra, cần hoàn thiện phần việc thuộc các khâu khác như vay vốn, cung cấp thông tin về thị trường lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, xây dựng mô hình kinh tế mới tại vùng giải tỏa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách phù hợp, giải pháp khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.