Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi “tập quán”

Thế Nguyên| 25/04/2017 06:11

(HNM) - “Có bệnh, gặp bác sĩ Google” - câu chuyện phổ biến ở nước ta có lẽ sẽ khiến nhiều người nước ngoài ngạc nhiên, đặc biệt là giới y khoa hẳn phải lắc đầu ngán ngẩm, “thán phục” mức độ cả tin, ấu trĩ và liều lĩnh của không ít người.

“Trăm năm trong cõi người ta
Cái gì không biết thì tra Google”

“Câu ca” thời công nghệ số “sầm sập” đến với từng cá nhân, từng gia đình dường như chỉ cho thấy những lợi ích. Bất luận vấn đề gì đi nữa, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google trên internet, gõ từ khóa là ra hàng nghìn, hàng vạn kết quả. Google giải đáp được mọi thứ, Google làm chuyên gia tư vấn... Đặc biệt, Google làm cả... bác sĩ: Con ốm, nhập thông tin triệu chứng vào Google, rồi tự chẩn đoán, tự kê đơn, tự đi mua thuốc. Bản thân đau đầu, sổ mũi..., cũng tìm đến “bác sĩ Google”. Thậm chí, không ít người tìm đến “bác sĩ Google” để chẩn đoán cho người khác (người thân, bạn bè...).

“Có bệnh, gặp bác sĩ Google” - câu chuyện phổ biến ở nước ta có lẽ sẽ khiến nhiều người nước ngoài ngạc nhiên, đặc biệt là giới y khoa hẳn phải lắc đầu ngán ngẩm, “thán phục” mức độ cả tin, ấu trĩ và liều lĩnh của không ít người. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tự thăm khám, tự chẩn đoán, tự kê thuốc mà đi kèm với đó là không ít hệ lụy.

Tuy nhiên, “bác sĩ Google” không phải là đối tượng duy nhất dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc, bao gồm cả kháng sinh, các loại thuốc điều trị thông thường... một cách bừa bãi, vô tội vạ hiện nay. Những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân đã làm lộ rõ không ít bất cập: Ít có nước nào như nước ta, nơi mà các hiệu thuốc tân dược mọc lên nhan nhản, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Và cũng ít có nước nào dược sĩ, nhân viên nhà thuốc xem việc bán thuốc, kể cả kháng sinh và nhiều biệt dược, như một loại hàng hóa thông thường.

Hệ lụy của “tập quán” tự thăm khám, tự chẩn đoán, tự điều trị, mà qua “bác sĩ Google” chỉ là một hình thức; hệ lụy của việc mua (từ phía người dân, người bệnh) - bán thuốc (từ phía đối tượng hành nghề dược) một cách bừa bãi rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, thay đổi lại là chuyện không dễ.

Trước hết, chính ngành Y tế phải sớm có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý, xử lý một cách hiệu quả, không để tiếp diễn tình trạng hiệu thuốc kê đơn, bán thuốc bừa bãi như hiện nay. Không thể lấy lý do nhân lực mỏng để ngụy biện cho tình trạng không ít quầy tân dược bán thuốc... bất biết quy định của ngành. Giải pháp quản lý hiệu quả nhất là chính sách, thông qua các chế tài nặng, có tính răn đe và không “thỏa hiệp”, “bắt tay”, “nối tay” cho vi phạm. Bên cạnh đó, cần có các chương trình truyền thông thuyết phục để người dân hiểu, nhận thức được những nguy cơ của tình trạng tự chẩn đoán, tự điều trị.

Thứ hai, về phía các cơ quan thông tin đại chúng, phải thực hiện đúng nguyên tắc truyền thông có trách nhiệm. Bằng việc sàng lọc thông tin trước khi đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, hữu ích, chính các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần nâng cao nhận thức cho người đọc về các vấn đề y tế, sức khỏe.

Thứ ba, chính bản thân người dân, bệnh nhân cũng phải tự nâng cao nhận thức. Những thông tin từ “bác sĩ Google” chỉ có giá trị tham khảo. Đồng thời, chính người dân phải thay đổi “tập quán” lâu nay: Đơn giản hóa việc mua thuốc, uống thuốc. Mọi triệu chứng, bệnh cảnh, hướng điều trị đều cần có bác sĩ kết luận.

Không sớm thay đổi “tập quán” xấu này, hệ lụy với sức khỏe cộng đồng, chất lượng giống nòi là rất đáng lo ngại!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi “tập quán”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.