Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa lợi ích các bên

Thế Đan| 27/04/2017 06:10

(HNM) - Việc cải tạo các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng đương nhiên là việc cần làm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, “điểm nghẽn” nhất vẫn là làm sao để hài hòa lợi ích các bên: Nhà nước - doanh nghiệp và người dân.

Nói một cách dễ hiểu, Nhà nước không thể lấy ngân sách để làm việc này nên tất yếu cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia, với điều kiện bảo đảm cuộc sống người dân; doanh nghiệp cũng bảo toàn được vốn. Mặt khác, việc cải tạo không làm gia tăng đột biến dân số cơ học kéo theo nguy cơ gây sức ép lên hạ tầng, góp phần chỉnh trang đô thị…

“Mớ bùng nhùng” lợi ích không dễ hóa giải này chính là điều cần phải phân tích để công cuộc cải tạo, kiến thiết lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội có thể đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Muốn vậy, những bất cập trong một loạt chính sách liên quan đến Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn về vấn đề này cần sớm được gỡ bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ nhất, về quy hoạch, thành phố có thể xem xét giao nhà đầu tư đủ năng lực tự bỏ kinh phí thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm lập quy hoạch, khuyến khích mời, thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể cả khu chung cư. Việc quy hoạch trên tổng thể thống nhất, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như khớp nối với hạ tầng chung của khu vực; bảo đảm đủ tái định cư tại chỗ cho dân số của khu chung cư cũ hiện có. Các đồ án quy hoạch chi tiết sau khi hoàn thành, tập hợp toàn thành phố sẽ được trưng bày triển lãm, công bố công khai lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cộng đồng dân cư.

Thứ hai, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện như đối với các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, Nhà nước đứng ra làm công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng (mang tính chế tài) sau đó đấu giá đất, dự án để bù đắp chi phí. Như vậy, doanh nghiệp thì có “đất sạch” để triển khai ngay dự án, người dân thì được lựa chọn nhà ở tại bất kỳ vị trí nào thích hợp; chính quyền thì giải quyết được bài toán chăm lo nhà ở cho người dân kết hợp với chỉnh trang đô thị.

Thứ ba, về cơ chế tài chính cho dự án cần thay đổi theo hướng: Trường hợp dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ không đáp ứng được yêu cầu cân đối tài chính của nhà đầu tư thì được xem xét, bố trí dự án khác ngoài khu vực đường Vành đai 3 để bù đắp tài chính.

Thứ tư, sớm xem xét thí điểm mô hình “doanh nghiệp cộng đồng” với sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng. Thêm vào đó, UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng phần diện tích đất ngầm cho phục vụ các mục đích thương mại. Đây chính là nguồn lực tài chính bền vững cho quá trình cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ mà thời gian qua chưa được chú ý đúng mức.

Có thể nói, các khu chung cư cũ tại Hà Nội đã từng giữ vai trò to lớn và có ý nghĩa, đáp ứng được những nhu cầu cơ bản về nhà ở của người dân trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các khu chung cư này đang tồn tại trong tình trạng chất lượng kém, nguy hiểm. Hy vọng, với các cơ chế chính sách hợp lý, cân đối hài hòa lợi ích các bên, TP Hà Nội sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, góp phần tăng trưởng quỹ nhà ở, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho dân cư; không gian, kiến trúc đô thị đồng bộ và hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa lợi ích các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.